Người bị tăng nhãn áp, mắc chứng ruột kích thích, bị rối loạn nhịp tim… không nên hoặc cần hạn chế uống cà phê.
1. Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)
Angel Planells, chuyên gia dinh dưỡng tại Seattle và cựu Chủ tịch Học viện Bang Washington, cho biết: “Caffeine có thể làm tăng nhu động ruột, bao gồm tăng khả năng bị tiêu chảy, một triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích (hoặc IBS). Vì vậy, nếu bị IBS, bạn nên hạn chế hoặc tránh đồ uống có chứa caffein”.
2. Người bị tăng nhãn áp
“Áp lực nội nhãn tăng lên với những người mắc bệnh tăng nhãn áp khi uống cà phê, vì vậy nên hạn chế hoặc tránh uống loại đồ uống này, dù vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn”, Planells nói.
Theo nghiên cứu của Mount Sinai, uống nhiều caffein làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp ở những người vốn đã có khuynh hướng tăng nhãn áp.
3. Người bị bàng quang hoạt động quá mức
Sue Heikkinen, Chuyên gia dinh dưỡng ở MyNetDiary, cho biết: “Chúng ta đều biết tốt nhất nên tránh uống một tách cà phê lớn trước một chuyến đi dài, đặc biệt nếu thời gian trong nhà vệ sinh bị hạn chế. Lượng caffein có thể làm tăng cả tần suất tiết niệu và mức độ khẩn cấp. Nếu không thường xuyên uống cà phê, bạn có thể còn nhạy cảm hơn với hiệu ứng này”.
4. Người bị bệnh tim, như rối loạn nhịp tim
Theo chuyên gia dinh dưỡng Kelli McGrane MS của Lose It!, do caffein từ cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời, bất kỳ ai mắc bệnh tim, chẳng hạn như bị rối loạn nhịp tim, cần nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ về việc tiêu thụ bao nhiêu cà phê là an toàn.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ đã kết luận rằng huyết áp có khả năng tăng đột biến trong thời gian ngắn khi uống caffein. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng thuyết phục về bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào với huyết áp hoặc sức khỏe tim mạch.
5. Người đang mang thai
Đại học Sản phụ khoa Mỹ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế lượng caffeine ở mức 200 miligam (khoảng lượng có trong hai tách cà phê) mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân.
“Tuy nhiên, một đánh giá năm 2020 được công bố trên Tạp chí Y học Anh đã kết luận không có mức tiêu thụ caffein an toàn trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai nên thảo luận về lượng caffein của họ với bác sĩ”, Heikkinen nói.
6. Người đang cho con bú
Planells cho biết: “Vì caffein là chất kích thích và lợi tiểu nên điều đáng lo ngại là bà mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước. Hiệp hội mang thai Mỹ khuyến nghị tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú”.
7. Người bị rối loạn giấc ngủ
“Uống một tách cà phê (hoặc nhiều hơn) sau một đêm ngủ không ngon giấc là hành động có thể hiểu được, nhưng thói quen uống cà phê của bạn có thể kéo dài chu kỳ ngủ kém và mệt mỏi. Ngay cả khi bạn không nghĩ rằng tách cà phê buổi chiều ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình, nó thực sự có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tránh dùng caffein ít nhất sáu giờ trước khi đi ngủ, theo khuyến nghị của Tổ chức Giấc ngủ”, Heikkinen nói.
Một nghiên cứu từ Tạp chí Y học về Giấc ngủ Lâm sàng cho thấy rằng tiêu thụ caffein thậm chí sáu giờ trước khi đi ngủ vẫn có khả năng làm gián đoạn giấc ngủ. Những phát hiện này dựa trên mức 400 miligam caffein, tương đương với khoảng bốn tách cà phê. Ngoài ra, dù bạn có thể sẽ không uống nhiều caffein như vậy vào buổi chiều, điều quan trọng cần lưu ý là caffein rõ ràng có ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
8. Người có mức độ lo lắng cao hoặc dễ bị hoảng loạn
McGrane nói: “Caffeine là chất kích thích, có thể làm trầm trọng tình trạng lo lắng ở một số người. Nếu thường xuyên cảm thấy lo lắng hoặc hoảng loạn, bạn có thể cân nhắc tránh hoặc giảm lượng cà phê chứa caffein”.
Nghiên cứu từ Khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa cho thấy tiêu thụ lượng caffein cao hơn (khoảng 5 tách cà phê mỗi ngày) có khả năng gây ra các cơn hoảng loạn ở những người đang mắc chứng lo âu. Ngay cả khi bạn không tiêu thụ 5 cốc, bạn vẫn nên theo dõi lượng tiêu thụ của mình để đảm bảo không làm trầm trọng thêm bất kỳ lo lắng hiện có nào trong cuộc sống hàng ngày.
9. Người bị tiêu chảy
Heikkinen nói: “Một số người khẳng định tách cà phê buổi sáng sẽ giúp họ đi vệ sinh nặng, nhưng tác dụng này là không mong muốn nếu bạn đang phải chống chọi với bệnh tiêu chảy. Cà phê decaf (dòng cà phê được loại bỏ ít nhất 97% hàm lượng caffein) có thể ít gây ra vấn đề hơn, dù nói chung, chất lỏng nóng có xu hướng kích thích ruột”.
10. Người bị động kinh
Planells nói: “Mặc dù vẫn còn hạn chế, những phát hiện gần đây cho thấy uống nhiều cà phê có liên quan đến việc tăng tần suất co giật. Hãy cân nhắc nói chuyện với bác sĩ thần kinh về lượng caffein tiêu thụ nếu bạn bị động kinh”.
11. Trẻ dưới 12 tuổi
“Trong khi caffein có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn, nó có thể gây ra những tác dụng phụ đáng chú ý hơn và thậm chí nghiêm trọng hơn với liều lượng nhỏ hơn ở trẻ em. Ví dụ, dùng quá nhiều caffein ở trẻ em có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Một khía cạnh khác cần xem xét, đặc biệt là ở trẻ mới biết đi, là cà phê có thể che lấp dấu hiệu đói, vì vậy trẻ mới biết đi có thể không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng bản thân cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng.
12. Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Heikkinen cho biết: “Caffeine có thể nới lỏng cơ vòng thực quản dưới, là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này có thể khiến axit trong dạ dày đi vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng GERD khó chịu hơn. Nếu bạn bị GERD, hãy xem liệu việc chuyển sang tiêu thụ cà phê decaf có giúp ích gì không”.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H