Trong một đánh giá mới, các nhà khoa học đã khám phá ra 45 ảnh hưởng xấu của đường tự do lên sức khỏe con người, bao gồm các bệnh chuyển hóa, tim mạch, nha chu, tâm lý…

Tiêu thụ nhiều đường có thể gây ra các bệnh chuyển hóa, tim mạch, nha chu, tâm lý và cả tổn thọ. Ảnh: iStock.

Trong một đánh giá lớn phân tích tổng hợp 8.601 nghiên cứu, việc tiêu thụ nhiều đường tự do có 45 tác động tiêu cực về sức khỏe gồm tiểu đường, bệnh gout, béo phì, huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, ung thư, hen suyễn, sâu răng, trầm cảm và tổn thọ.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, đường tự do là những loại đường được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, được đóng gói dưới dạng đường ăn và các chất làm ngọt khác.

Loại đường này còn xuất hiện tự nhiên trong si-rô, mật ong, nước ép trái cây, nước ép rau quả, các thực phẩm đã bị xay nhuyễn hoặc ép.

Tại sao đường gây bệnh?

Các tác giả của nghiên cứu cho hay bằng chứng cho thấy đường tự do có thể gây ung thư vẫn còn hạn chế và gây tranh cãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác động của đường đối với cân nặng cơ thể con người.

Đường là tác nhân gây ra béo phì, căn bệnh có thể gây ra bệnh tim mạch cũng như nhiều loại ung thư khác nhau.

“Nạp nhiều đường có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, gây áp lực cho tim và mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp”, Nhà khoa học hành vi Brooke Aggarwal kiêm giáo sư Khoa học Y tế thuộc khoa Tim mạch, Trung tâm Y tế Irving, ĐH Columbia Mỹ cho hay.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện thực phẩm chế biến sẵn, có thể chứa nhiều đường tự do, có khả năng kích động cảm xúc, một yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm.

“Lượng đường trong máu tăng đột biến sẽ kích hoạt insulin tăng đột biến. Điều này có thể làm mất cân bằng lượng đường trong máu của chúng ta. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vấn đề sức khỏe về lâu dài”, tiến sĩ Maya Adam, giáo sư Nhi khoa lâm sàng tại ĐH Y khoa Stanford đánh giá.

Bà thông tin thêm rằng các loại ngũ cốc nguyên hạt không làm lượng đường trong máu tăng đột biến như khi con người ăn đường đơn.

Nguyên nhân của điều này là do carbohydrate trong thực phẩm mất nhiều thời gian để phân hủy thành các loại đường đơn. Ngoài ra, chúng chứa nhiều chất xơ hoàn toàn không thể phân hủy được.

Cuộc sống tốt hơn nếu ít đường hơn

Theo các hướng dẫn hiện có của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, mọi người chỉ nên nạp dưới 25 gram đường/ngày, tương đương với khoảng 6 thìa cà phê.

Đây là lượng đường có trong 2,5 chiếc bánh quy, nửa lít nước ép trái cây hoặc khoảng 1,5 thìa mật ong. Riêng một chiếc bánh donut cũng chứa tới 15-30 gram đường.

Các tác giả nghiên cứu khuyến nghị mọi người nên giảm tiêu thụ đồ uống có đường xuống dưới 355 ml mỗi tuần.

tac dong cua duong anh 1

Đường đơn làm tăng chỉ số đường huyết ngay lập tức và gây nên vấn đề sức khỏe lâu dài cho con người. Ảnh: iStock.

Để thay đổi thói quen tiêu thụ đường, các nhà khoa học cho rằng “cần có sự kết hợp giữa giáo dục sức khỏe cộng đồng rộng rãi và các chính sách trên toàn thế giới”.

Nhưng trước đó, con người có thể tự thực hiện một số thay đổi như rèn thói quen đọc bảng thành phần khi đi mua sắm trên mọi thực phẩm.

Giáo sư Adam cho hay mọi người cũng nên lưu ý cả một số thực phẩm “không ngọt” nhưng chứa nhiều đường như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng, gia vị, bánh mì…

Bên cạnh đó, mọi người nên chọn nước trái cây tươi thay vì đồ uống có đường, tráng miệng bằng trái cây thay vì các loại bánh hoặc kem.

Giáo sư Aggarwal gợi ý nấu ăn và nướng bánh tại nhà thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để giảm lượng đường nạp vào cơ thể.

Bà cũng cho hay ngủ đủ giấc thường xuyên cũng sẽ giúp hạn chế đường “vì con người có xu hướng chọn thực phẩm nhiều đường hơn khi mệt mỏi”.

Những mẹo này có thể giúp mọi người cắt giảm đường từ từ, rèn luyện vị giác và dần ăn ít đường hơn.

Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link