Thịt cóc giàu dinh dưỡng nhưng chế biến sai cách có thể nhiễm độc tố từ da, mắt của loài động vật này gây chết người.

Thịt cóc bổ nhưng dễ ngộ độc từ da cóc. Ảnh: Gardeningknowhow.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, thịt cóc được sử dụng từ xa xưa, rất giàu dinh dưỡng, cao hơn thịt bò, thịt lợn. Thịt cóc có tác dụng rất tốt cho trẻ nhỏ lười ăn, suy dinh dưỡng. Nhiều bài thuốc từ thịt cóc đã được dân gian sử dụng và có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, không loại bỏ hết các bộ phận chứa độc tố đúng cách hoặc do thiếu hiểu biết sử dụng luôn cả phần da, nội tạng, trứng cóc để ăn sẽ gây ngộ độc và có thể dẫn đến tử vong.

Ông Thịnh cho biết khi làm thịt cóc người ta chỉ lấy phần thịt đùi để chế biến cho người ăn. Mủ trên da và mắt cóc là chất cực độc người lớn ăn cũng có thể tử vong.

Chất mủ trên da cóc là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn. Độc tố từ da cóc có thể dính sang thịt. Độc tố này không mất đi cho dù đã được nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin, một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy.

Nếu ăn phải độc tố của cóc, người bệnh có thể bị ngộ độc cấp tính. Thời gian biểu hiện triệu chứng có thể từ một giờ đến 3 giờ sau ăn. Các triệu chứng hay gặp như chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, trụy tim mạch.

Bệnh nhân bị ngộ độc thường tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao nên cần được phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở cơ sở y tế. Nếu người ngộ độc tỉnh táo, cần sơ cứu bằng cách gây nôn chủ động và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để thải trừ chất độc.

PSG Thịnh cho biết khi làm thịt cóc, người làm cần chú ý bỏ các các bộ phận da, lòng, gan, đầu. Tốt nhất và an toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm. Nếu có sử dụng, trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng, trứng và nhựa cóc lẫn vào thịt. Theo ông, người dân có thể lựa chọn sử dụng những sản phẩm chế biến đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

Gần đây, một vụ ngộ độc thịt cóc đã được ghi nhận tại Gia Lai. Cụ thể, sáng 7/4, khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), tiếp nhận 3 bệnh nhi ngộ độc thịt cóc. Trường hợp nhỏ tuổi nhất (bé N.T.T.T, 2 tuổi) đã tử vong sau 30 phút nhập viện.

Trước đó, chiều 6/4, mẹ của ba bệnh nhi này làm thịt cóc cho con ăn. Tới 21h cùng ngày, cả 3 cháu đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đi ngoài phân lỏng. Đến gần sáng, các bệnh nhi mới được đưa đi cấp cứu.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link