Ngôi nhà có tên The Intan là bảo tàng tư nhân, trưng bày hơn 5.000 cổ vật tiêu biểu cho nền văn hóa của người Peranakan.

Peranakan trong tiếng Malaysia có nghĩa là ‘con lai’, chỉ hậu duệ của người Trung Quốc di cư và kết hôn người Malaysia bản địa. Ngôi nhà cổ The Intan có diện tích khoảng 100 m2, nằm ở trung tâm Joo Chiat – một vùng đất Peranakan truyền thống và được vinh danh là thị trấn di sản đầu tiên của Singapore năm 2011. Phía trước ngôi nhà được phủ xanh, tạo cảm giác mát mẻ và nét đặc trưng riêng. Ảnh: Tripadvisor

Alvin Yapp (53 tuổi), chủ nhân ngôi nhà cổ và là hậu duệ của người Peranakan, cho biết việc phủ xanh cổng vào ngôi nhà nhằm hạn chế ánh nắng rọi vào những cổ vật trong nhà, giúp anh bảo tồn món đồ được lâu. Alvin mô tả ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1950, anh mua lại hơn 20 năm trước và giữ nguyên lối kiến trúc, không thay đổi bất kỳ thứ gì.

Alvin cho biết The Intan là bảo tàng tư nhân nhỏ nhất ở Singapore với diện tích chỉ hơn 100 m2, bao gồm một tầng trệt và một gác lửng. Ảnh: Tripadvisor

The Intan thu hút nhiều du khách đến tham quan mỗi ngày. Theo Alvin, ngôi nhà có sức chứa tối đa khoảng 40 người cùng lúc. Alvin nói The Intan không chỉ là nơi đang lưu giữ hơn 5.000 món đồ của người Peranakan, được anh sưu tầm trong hơn 30 năm, mà còn là tâm huyết muốn giới thiệu bản sắc văn hóa cội nguồn của anh đến du khách quốc tế.

‘Với tình yêu sâu sắc dành cho mọi thứ của Peranakan, tôi đã cống hiến ngôi nhà của mình để trở thành nơi trưng bày kho báu văn hóa Peranakan. Chính tình yêu này đã mang cho tôi nguồn cảm hứng để chia sẻ với các bạn, không phải với tư cách khách tham quan mà là với tư cách khách đến thăm nhà tôi’, Alvin nói.

Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa hai lối kiến trúc Trung Quốc – Malaysia. Người Peranakan vẫn giữ thói quen thờ cúng như phong tục văn hóa của Trung Quốc. Khách tham quan có thể nhận ra những hoa văn, món đồ thờ cúng quen thuộc đậm chất Á Đông ở gian phòng thờ.

Bộ sưu tập đồ nội thất bằng gỗ tinh xảo, kamchen (lọ có nắp đậy thường dùng để đựng thức ăn), hộp đựng Tiffin, đồ sứ Trung Quốc Peranakan và đồ trang sức, trang trí. Alvin kể anh bắt đầu việc sưu tầm bằng các món đồ nhỏ mang tinh thần Peranakan ở Singapore, một số bang tại Malaysia và cả Ấn Độ, Trung Quốc, Vương quốc Anh…

Những lọ kamchen quý giá được Alvin bảo quản trong tủ kính.

Hai bên lối đi ở cầu thang được chủ nhân trang trí bằng ống nhổ trầu và cà-mên, những món đồ dùng sinh hoạt thân thuộc với họa tiết sặc sỡ, đậm dấu ấn Peranakan.

Theo Alvin, đây là chiếc tẩu thuốc có niên đại lâu nhất trong ngôi nhà, hơn 100 tuổi.

Khi được hỏi về giá trị của những món đồ cổ, Alvin nói: ‘Giá trị của những món này khó mà nói được. Với nhiều người, nó chỉ là đồ cũ, nhưng đối với tôi, nó là một nét đẹp văn hóa bởi vì với mỗi tác phẩm tôi có được, tôi đã học được điều gì đó mới mẻ về văn hóa của mình’.

Ở gác trên, du khách được chiêm ngưỡng những tấm vải thêu bởi những người phụ nữ Peranakan. Trang phục truyền thống của phụ nữ Peranakan được gọi là Nyonya Kebaya. Nyonya Kebaya thường được thêu các họa tiết như hoa hồng, mẫu đơn, hoa lan, hoa cúc, bướm, ong, cá và gà. Phụ nữ Peranakan tin rằng họ càng ăn mặc đẹp thì càng có thể thể hiện sự giàu có của mình và do đó rất coi trọng quần áo và ngoại hình.

Khi đến đây, khách sẽ được gia chủ mời món bánh nonya kueh, một loại bánh ăn vặt cổ truyền của người Peranakan. Sự tinh tế trong ẩm thực của người phụ nữ Peranakan đều được thể hiện trong một chiếc bánh kueh.

Ngôi nhà đã đạt được nhiều giải thưởng như giải thưởng Hội nghị bàn tròn về Trải nghiệm tổng thể tốt nhất của Bảo tàng NHB (2010), Giải thưởng Điểm đến hấp dẫn trong Trải nghiệm Singapore (2016)… Ảnh: Tripadvisor

Ngoài ra ngôi nhà cổ còn là địa điểm được được giới thiệu trên kênh CNN Travel, Discovery Channel và National Geographic. Singapore Travelholic liệt kê Intan là 5 hoạt động Peranakan hàng đầu nên làm ở Singapore.

Alvin nói: ‘Mục đích của tôi là truyền cảm hứng cho sự kết nối cảm xúc với nền văn hóa. Chúng tôi muốn di sản của mình trở nên phù hợp với thời đại và cho công chúng thấy rằng chúng ta có thể sống với không gian quá khứ ở một Singapore hiện đại’. Đây cũng chính là thông điệp được Tổng cục Du lịch Singapore khởi động toàn cầu cuối năm nay nhằm khuyến khích du khách trải nghiệm văn hóa địa phương.

Nhà cổ The Intan phục vụ du khách từ 7 đến 22h mỗi ngày, tuy nhiên chỉ mở cửa khi du khách đặt lịch trước. Giá vé cho buổi tham quan kèm tiệc trà trong một giờ là 64,2 SGD (hơn 1,1 triệu đồng) cho người lớn và 32,1 SGD (hơn 500.000 đồng) cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Theo Hạnh Lê (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link