Du khách được trải nghiệm không gian nghệ thuật với con đường bằng gỗ tái chế, những chiếc chum tạo ra hệ âm thanh sống động hay đĩa màu lơ lửng.
Được xây dựng năm 1894, tháp nước Hàng Đậu có tên gọi khác là bốt Hàng Đậu, là một trong những công trình kiến trúc lâu đời, biểu tượng của Hà Nội. Tháp nước nằm ở ngã sáu các phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.
Chức năng chính của tháp nước khi mới xây dựng là cung cấp nước sinh hoạt cho các công sở của bộ máy cai trị, dinh thự của người Pháp, sau đó mới đến các cư dân khu phố cổ. Theo đó, tháp nhận nước từ nhà máy nước Yên Phụ rồi chuyển lên két chứa cao nhất để tạo thế năng đẩy nước vào hệ thống ống dẫn tới các khu trung tâm.
Tháp nước xây bằng đá hộc, hình trụ tròn, đường kính 19 m, cao ba tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250 m3, yên vị trên đỉnh 8 bức tường đá, hệ thống đường ống dẫn lên, xuống có những van sắt.
Bốt Hàng Đậu lần đầu mở cửa cho khách tham quan từ 17 đến 26/11. Triển lãm Sắp đặt nước và Di sản tháp nước Hàng Đậu là trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước.
Triển lãm lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển. Những chiếc đĩa màu lơ lửng với màu sắc sống động và bay bổng là một phần của hệ sắp đặt ánh sáng.
Khi khảo sát để thiết kế, các tác giả nhận thấy tháp nước Hàng Đậu cấu thành từ những khối hình trụ gồm các bức tường vòm, tạo nên hướng đi vòng tròn độc đáo. Xen kẽ giữa khoảng không gian sáng và tối, động và tĩnh, những khoảng đặc và rỗng, để mỗi lần đi qua mỗi ô vòm của tháp, khách tham quan sẽ nhận ra những cảm xúc bất ngờ.
Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện âm thanh của nước trong tự nhiên và hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về hình ảnh hiện vật được tái chế từ rác thải đô thị. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh để người xem thấy rõ hơn về sự tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.
Cùng ánh sáng, nhóm phụ trách kỹ thuật âm thanh đã ứng dụng các cao độ của 6 tiếng nước chảy như trong khe, trong hang động… để tạo nên âm thanh nền có khả năng đưa tâm trí của khán giả đến những chiều không gian rộng lớn, mênh mông khi tham quan triển lãm.
Các cao độ đã được thử nghiệm nhiều lần nhằm tìm ra đúng âm thanh mang tần số chữa lành, xoa dịu cảm xúc của con người theo tâm lý học.
Theo Tùng Đinh (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H