Những bức tranh tường ở khu Chinatown không chỉ để trang trí mà còn mang ý nghĩa văn hóa của người Hoa di cư đến Singapore.

Khách du lịch Singapore đến khu Chinatown dễ dàng nhìn thấy những bức tranh tường hiện diện trên nhiều con phố, tái hiện một phần đời sống từ quá khứ đến hiện tại của người dân đảo quốc sư tử. Các bức tranh này được người dân địa phương coi là di sản văn hóa.

Phần lớn những bức tranh tường khu Chinatown được thực hiện bởi Yip Yew Chong (54 tuổi) – một họa sĩ nổi bật trong giới nghệ thuật đường phố của Singapore. Yip Yew Chong nói anh lớn lên ở Chinatown, giữa sự giao thoa văn hóa nên anh mong muốn vẽ lại hình ảnh sinh hoạt tiêu biểu của người địa phương trên những bức tường nơi đây để gìn giữ giá trị di sản tinh thần.

Năm 2016, Yip được cấp phép và bắt đầu tìm kiếm địa điểm. Có tổng cộng 10 bức tranh của Yip Yew Chong, được vẽ từ năm 2016 và kết thúc vào năm 2023. Ảnh: SilverKris

Đi xuống phố Amoy và dọc theo bức tường phía sau của chùa Thian Hock Keng 182 tuổi, du khách sẽ thấy một bức tranh tường dài 40 m mô tả cuộc sống của những người Phúc Kiến đầu tiên di cư đến Singapore.

Qua tranh vẽ của Yip Yew Chong, du khách có thể thấy cách họ sinh hoạt, hy vọng, đấu tranh trong giai đoạn hình thành, xây dựng đất nước Singapore. Ảnh: Yip Yew Chong

Khi đi qua phố Smith, bạn sẽ thấy hình ảnh một nghệ nhân viết chữ làm việc, trên bàn là các dụng cụ viết thư pháp và những câu đối. Người viết thư là một nhân vật quan trọng trong xã hội xưa, giúp những người di cư liên lạc với gia đình họ ở Trung Quốc. Ngoài thư tay, họ còn viết thư pháp, cho câu đối Tết. Bức tranh mô tả khung cảnh phổ biến ở Chinatown trong quá khứ cho đến những năm 1980, khi các khu chợ, tiểu thương và nhà buôn truyền thống được tái định cư bên trong khu China Complex.

Điều đặc biệt của những bức tranh tường là du khách có thể tạo dáng tương tác với nhân vật khá chân thật.

Bức tranh ‘My China Hometown’ (tạm dịch: ‘Quê hương Trung Quốc của tôi’) thể hiện cuộc sống của người Hoa thời kỳ đầu ở Singapore với những khung cảnh quen thuộc trong một ngôi nhà truyền thống, cũng chính là gia đình họa sĩ Yip tại Sago Lane. Yip Yew Chong tự họa chính mình vào tranh. Ngôi nhà hiện nay là một bãi đỗ xe cạnh Chùa Phật Nha. Ảnh: Yip Yew Chong

Trong bức tranh về khu chợ, du khách có thể bắt gặp Conan (nhân vật trong truyện tranh Thám tử lừng danh Conan) đang trò chuyện cùng người bản xứ bán sầu riêng – một thứ trái cây ưa thích của người Malaysia. Ảnh: Yip Yew Chong

Trên thực tế, Conan đã từng đến Singapore năm 2019 trong movie Detective Conan: The Fist Of Blue Sapphire (tạm dịch: Thám tử Conan: Quả đấm sapphire xanh). Đây là lần đầu tiên bản điện ảnh của phim Conan lấy bối cảnh ngoài Nhật Bản. Nếu để ý kỹ, du khách có thể phát hiện viên đá sapphire được giấu trong bức tranh.

Bức tranh mô tả văn hóa đón tết Trung thu cổ truyền ở Chinatown. Đối với người Trung Quốc, tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng với lồng đèn, bánh và trà. Trước khi có đèn lồng hoạt động bằng pin, đèn lồng giấy kiếng nhiều màu sắc được thắp bằng nến là thứ đồ chơi phổ biến của trẻ em.

Đây là một trong những bức tranh tường rộng nhất nhì ở khu phố, trải dài trên ba tầng cao và chiếm toàn bộ một mặt của tòa nhà. Phía trước là bức tranh miêu tả khung cảnh nhộn nhịp của một cửa hàng hàng khô và thực phẩm, một quán cà phê kiểu cổ và khu chợ trời. Ảnh: Yip Yew Chong

Trong khi phía bên hông là hình ảnh người đàn ông đang đổ trà từ ấm vào các cốc bên dưới. Người Hoa ở Singapore coi trọng thói quen uống trà mỗi sáng và vẫn còn giữ thói quen này đến tận bây giờ. Đây là một trong những địa điểm check-in tương tác nổi bật ở phố Chinatown.

Bức tranh lớn ‘Old Trades’ (tạm dịch: ‘Nghề xưa’) gồm bộ ba khung cảnh nhỏ. Ở góc trên bên trái là ‘The Window’ (tạm dịch ‘Cửa sổ’), miêu tả sự gắn kết của hai gia đình Ấn Độ – Hoa tại Singapore.

Một điều đặc biệt ở Singapore là sự hòa hợp giữa các dân tộc và các nền văn hóa đan xen. Ở Chinatown không chỉ có người Hoa sinh sống mà còn có người Ấn Độ. Do đó, du khách có thể thấy hình ảnh hai gia đình trong một khung cảnh. Phía bên trên là gia đình Kadir, chủ của cửa hàng Mamak (các quầy ăn uống chuyên về ẩm thực Hồi giáo của Ấn Độ) và gia đình Lee có truyền thống chế tác đầu lân ở phía dưới. Tất cả đều được lấy cảm hứng từ người thật đã từng kinh doanh tại đây.

Kế bên là hình ảnh những người phụ nữ nhập cư (Samsui women) với chiếc nón lớn đặc trưng, thường làm nghề bán hàng rong. Cách đó không xa là người bán mặt nạ giấy và con rối cổ truyền. Hình ảnh người bán mặt nạ giấy rất phổ biến ở Singapore vào những năm 1960

Kinh kịch Quảng Đông từng là một hình thức giải trí phổ biến trong quá khứ. Giai đoạn 1970 – 1980 đánh dấu sự sụt giảm của loại hình kinh kịch đường phố ở Singapore. Bức tranh tường ‘Kinh kịch Quảng Đông’ được du khách đánh giá cao bởi độ tỉ mỉ thể hiện trong trang phục của nam, nữ diễn viên, các hoạt động phía sau sân khấu, tư thế và biểu cảm của khán giả. Ảnh: Yip Yew Chong

Bức tranh cuối cùng là ‘Cửa hàng guốc và chén dĩa’ vừa được hoàn thiện năm 2023, miêu tả khung cảnh tiệm Lau Choy Seng, vừa làm guốc gỗ vừa bán chén đĩa. Người Hoa ưa chuộng guốc gỗ cho đến những năm 1980, khi sandal nhựa xuất hiện, những đôi guốc này dần biến mất. Do đó một nửa cửa tiệm đã đóng cửa, chỉ còn buôn bán bát đĩa cho đến tận ngày nay. Ảnh: Yip Yew Chong

Thông qua những bức tranh tường, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một xã hội người Hoa thu nhỏ mà còn được chứng kiến quá trình họ hòa nhập với văn hóa bản địa, tạo nên một nền văn hóa mới, đậm đà bản sắc và đặc trưng của Singapore. Chính những nét văn hóa này đã góp phần mang đến những trải nghiệm ‘made in Singapore’ độc đáo cho du khách.

Theo Hạnh Lê (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link