Paraben – nghe lạ mà quen
Hầu hết các loại mỹ phẩm, với thành phần có chứa nước là môi trường lý tưởng của vi khuẩn, nấm mốc. Kéo dài thời gian sử dụng, giữ tính ổn định của sản phẩm, ngăn chặn sự sinh sôi của khuẩn, nấm sau khi mở nắp, tiếp xúc với không khí… Đó là lý do mỹ phẩm cần chất bảo quản.
Paraben là tên gọi chung của một nhóm chất bảo quản, được sử dụng phổ biến trong rất nhiều mỹ phẩm. Trong tự nhiên, paraben có nguồn gốc từ thực vật. Nó được sản sinh từ p-hydroxybenzoic acid có trong trái cây.
Các chất nhóm paraben được sử dụng rất nhiều trong mỹ phẩm. Ảnh: VŨ VY. |
Có thể tìm thấy các chất có gốc paraben trong rất nhiều loại mỹ phẩm, thậm chí là cả thuốc và thực phẩm. Paraben có mặt khắp mọi nơi, từ tuýp sữa rửa mặt cho đến hũ kem dưỡng ẩm, kem chống lão hóa, làm trắng da, kem chống nắng, serum đặc trị, mặt nạ, sản phẩm chăm sóc tóc v.v…
Paraben thông dụng, vì chúng có giá thành rẻ, dễ sử dụng và hiệu quả cao. Thông thường, sẽ có nhiều chất gốc paraben trong một sản phẩm. Việc kết hợp chúng giúp tăng khả năng bảo quản. Các paraben dễ tìm thấy nhất trong mỹ phẩm là methylparaben, propylparaben và butylparaben.
Tại sao paraben bị cấm và những tranh cãi
Năm 2004, một nghiên cứu tại Anh của Darbre thực hiện trên 20 phụ nữ đã tìm thấy trong các mô ung thư vú có chứa các chất biến đổi từ paraben. Nghiên cứu này cũng chỉ ra paraben làm gia tăng estrogen – một hoóc môn gây nguy cơ ung thư vú và tinh trùng thấp ở nam giới.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự liên quan của nhóm chất này đối với ung thư và sức khỏe con người. Tuy nhiên, chưa một nghiên cứu nào khẳng định, các chất paraben là nguyên nhân ung thư vú.
Câu chuyện về paraben đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học thế giới. Theo Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng không cần lo ngại về paraben trong mỹ phẩm.
Nhiều hãng mỹ phẩm đã loại bỏ paraben trong thành phần, thay thế bằng các chất bảo quản khác, an toàn hơn. Ảnh: VŨ VY. |
Trong khi đó, cộng đồng Châu Âu trong một thông báo vào tháng 4.2014 cho biết, đối với 5 chất Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben chưa có kết luận đảm bảo về tính an toàn. Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, Cộng đồng Châu Âu đã cập nhật 5 chất này vào danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm. Các chất còn lại trong nhóm paraben được xác nhận là an toàn, khi sử dụng trong nồng độ cho phép.
Ngoài những vấn đề đã nêu, khi các chất nhóm paraben kết hợp với các chất khác trong mỹ phẩm có tạo ra kết quả xấu hay không? Sử dụng các mỹ phẩm có paraben (với hàm lượng cho phép), trong một thời gian dài sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.
Người tiêu dùng nên làm gì
Đừng quá tin vào nhãn hiệu. Danh sách các mỹ phẩm thu hồi có rất nhiều tên tuổi lớn và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Cũng đừng để bị dụ dỗ với những lời quảng cáo. Dù đó là mỹ phẩm chiết xuất từ thiên nhiên, trừ khi sử dụng trong vài ngày, còn lại đều cần đến hóa chất để bảo quản.
Chỉ chọn những mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thông tin đầy đủ. Tập thói quen đọc thành phần trước khi quyết định bỏ tiền ra cho một món mỹ phẩm.
Đối với paraben, người tiêu dùng cũng không cần quá hoang mang, lo lắng. Ngoại trừ 5 chất bị cấm, các chất có gốc paraben còn lại vẫn được phép sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ nhất định.
Điều đó có nghĩa, không nhất thiết phải “cự tuyệt” hoàn toàn với paraben. Nếu như vậy, chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với rất nhiều mỹ phẩm quen thuộc. Ở thời điểm hiện tại, paraben vẫn được sử dụng phố biến. Tuy nhiên, nên hạn chế, tránh dùng cùng lúc quá nhiều loại mỹ phẩm (rửa mặt, kem dưỡng, serum…) có chứa các chất thuộc nhóm này. Tìm sản phẩm thay thế, nếu có thể.
Phát hiện 8 loại mặt nạ dưỡng da chứa thành phần độc hại
(Làm Đẹp) – (Phunutoday) – 8 loại mỹ phẩm Trung Quốc, cụ thể các loại mặt nạ dưỡng da, vừa bị phát hiện có chứa chất cấm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. |