Phát hiện máu trong phân, tụt cân không chủ ý, thiếu máu, bị viêm ruột hay gia đình có tiền sử ung thư đại trực tràng, bạn cần được tầm soát sàng lọc trước tuổi 45.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), ung thư ruột kết, hay đại trực tràng, là loại ung thư nguy hiểm thứ hai ở Mỹ và tỷ lệ mắc bệnh ở những người dưới 50 tuổi đang tăng đều đặn khoảng 2% mỗi năm giai đoạn 2011-2016. Tỷ lệ tử vong cũng gia tăng ở nhóm tuổi này, tăng 1,3% hàng năm từ 2008 đến 2017.

Cassandra Fritz, chuyên gia y tế, trợ lý giáo sư tại khoa Tiêu hóa, Đại học Washington ở St. Louis, nói với LIVEstrong rằng chế độ uống thiếu hợp lý, tỷ lệ béo phì cao hơn và các yếu tố khác có thể góp phần gây ra bệnh ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, có một điểm sáng trong số liệu thống kê. “Nhìn chung, số ca mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm liên tục trong nhiều thập kỷ”, Paul Oberstein, bác sĩ chuyên khoa ung thư y tế tại Trung tâm Ung thư Perlmutter của NYU Langone Health, nói.

Lý do được cho là tỷ lệ nội soi, một xét nghiệm sàng lọc được sử dụng để phát hiện ung thư đại trực tràng, cao hơn. Theo ông Oberstein, mỗi xét nghiệm sàng lọc đều có những rủi ro và lợi ích riêng, nhưng nội soi được coi là tiêu chuẩn vàng.

“Nội soi có hai lợi ích. Trước hết, nội soi phát hiện sớm ung thư trước khi nó lan rộng hoặc di căn và do đó vẫn có thể chữa khỏi. Ngoài ra, các tổn thương tiền ung thư được gọi là polyp có thể phát triển trong niêm mạc đại tràng thông qua nội soi. Đây thường là dấu hiệu báo trước của bệnh ung thư. Nếu loại bỏ polyp, bạn có thể ngăn ngừa ung thư”, Oberstein nói.

Vậy khi nào bạn nên khám sàng lọc? Theo Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Mỹ, bạn nên bắt đầu ở tuổi 45 và tiếp tục duy trì cho đến 75 tuổi. Tuy nhiên, có 5 dấu hiệu cho thấy bạn cần được sàng lọc ung thư đại trực tràng sớm hơn 45 tuổi, bao gồm:

Tầm soát sàng lọc khi thấy có dấu hiệu lạ có thể giúp phát hiện sớm và điều trị thành công ung thư trực tràng Ảnh: Freepik
Tầm soát sàng lọc khi thấy có dấu hiệu lạ có thể giúp phát hiện sớm và điều trị thành công ung thư đại trực tràng. Ảnh: Freepik

1. Có máu trong phân

Máu trong phân là triệu chứng cảnh báo của ung thư đại trực tràng. Tiến sĩ Oberstein nói: “Bất kỳ ai có máu trong phân ít nhất nên trao đổi với bác sĩ”.

Theo Mayo Clinic, máu trong phân có thể do bệnh trĩ (tĩnh mạch bị sưng ở hậu môn hoặc trực tràng gây chảy máu), vì vậy không nhất thiết đó là dấu hiệu bạn bị ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, có lý do để bạn xem xét triệu chứng này một cách nghiêm túc và đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo CDC, các triệu chứng phổ biến khác liên quan đến nhu động ruột của ung thư đại trực tràng bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Bệnh tiêu chảy
  • Táo bón
  • Cảm giác không đi đại tiện “hoàn chỉnh”
  • Đau bụng

2. Bị thiếu máu

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLBI), thiếu máu xảy ra khi cơ thể thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Tiến sĩ Oberstein cho biết điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt hoặc có kinh nguyệt nhiều, nhưng nó cũng có thể là triệu chứng chảy máu chậm do ung thư đại trực tràng

Ông nói: “Tôi sẽ không tự động yêu cầu nội soi mỗi lần, nhưng điều quan trọng là phải thảo luận về vấn đề này và ghi nhớ nhu cầu cần được nội soi”.

Theo NHLBI, các triệu chứng thiếu máu bao gồm cảm thấy yếu đuối và mệt mỏi, xanh xao, hụt hơi, đau đầu, ớn lạnh, chóng mặt hoặc ngất xỉu, vàng da… Bác sĩ cũng có thể chẩn đoán bạn mắc bệnh thiếu máu, thường thông qua khám sức khỏe và xét nghiệm máu.

3. Sụt cân không rõ nguyên nhân

Nếu nhận thấy quần áo của mình trở nên rộng thùng thình hoặc cân nặng ngày càng giảm dù bạn không cố gắng giảm cân, thì có thể sức khỏe bạn đang có vấn đề. Có nhiều tình trạng gây sụt cân không rõ nguyên nhân và ung thư đại trực tràng chỉ là một trong số đó. Tuy nhiên, việc đến gặp bác sĩ vẫn cần thiết.

Tiến sĩ Fritz nói: “Càng sớm phát hiện ung thư đại trực tràng thì kết quả điều trị sẽ càng tốt”.

Theo một nghiên cứu vào tháng 4/2018 trên ‌Molecular and Clinical Oncology‌, giảm cân không chủ ý được định nghĩa là giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể trong vòng từ sáu tháng đến một năm. Nếu bạn không tự cân thì việc mặc quần áo có kích cỡ khác và được gia đình hoặc bạn bè xác nhận gầy hẳn đi cũng cho thấy bạn giảm cân.

Nghiên cứu tập trung vào những người mắc bệnh ung thư trực tràng phát hiện ra khoảng một nửa trong số họ đã giảm cân, với tỷ lệ giảm cân cao nhất ở nhóm có tình trạng bệnh nặng hơn.

4. Gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đại trực tràng

Tiến sĩ Oberstein cho biết điều quan trọng là phải biết liệu bạn có người thân thế hệ thứ nhất (tức cha mẹ hoặc anh chị em) mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay không và bạn cũng nên biết liệu họ có polyp bất thường nào không.

Tiến sĩ Fritz cho biết, nếu người thân thế hệ thứ nhất có tiền sử ung thư đại trực tràng (trước 60 tuổi) hoặc polyp tiến triển, bạn nên được sàng lọc sớm hơn 10 năm so với tuổi của họ khi được chẩn đoán. Ví dụ, nếu bố bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng ở tuổi 50, bạn nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi 40.

5. Mắc bệnh viêm ruột (IBD)

Hai loại IBD chính bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Tiến sĩ Oberstein cho biết: “Cả hai bệnh này đều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và cần được sàng lọc sớm hơn ở độ tuổi dưới 45”.

Theo một bài báo tháng 12/2021 trên ‌Journal of Crohn’s and Colitis, những người mắc bệnh IBD, đặc biệt khi bị viêm loét đại tràng, có thể có tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 60% so với dân số nói chung. Lý do có thể do tình trạng viêm mãn tính vì IBD khiến bạn có nguy cơ phát triển loại ung thư đường tiêu hóa này.

Tiến sĩ Oberstein nói: “Mọi người mắc bệnh IBD nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn về cách bắt đầu sàng lọc”.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link