Có lần, tôi hỏi ông chủ “tôi có thể làm gì để trở nên tốt hơn?”. Sếp trả lời rằng đây là lần thứ 4 tôi hỏi câu hỏi này trong tháng. Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của tôi trong việc luôn cải thiện và phát triển bản thân nhưng ông cũng khuyên tôi cần phải kiên nhẫn. Bất cứ khi nào tôi xin ông phản hồi về những dự án đã thành công trong quá khứ, ông luôn nói rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và nếu cứ tiếp tục duy trì đà đó, tôi sẽ làm tốt hơn nữa.
Tôi đã nghĩ rằng đó là feedback tệ nhất mà tôi từng nhận được. Tôi không muốn mình “ổn”. Tôi muốn trở nên tuyệt vời hơn, xuất sắc hơn, ấn tượng hơn và nói chung là hơn những gì mà tôi đang có. Gần như là sự xỉ nhục nếu cho rằng tôi “ổn” bởi vì nếu vậy thì tôi tự thấy mình quá tầm thường.
Một trong những mục tiêu của tôi là trở thành kẻ ngốc nhất trong phòng để tôi có thể tiếp cận với những người vô cùng thông minh và học hỏi từ họ. Đó là cách tôi phát triển nhanh nhất. Vô tình rằng chính điều này cũng khiến tôi bắt đầu tự so sánh mình với họ.
Sếp đã bán công ty trị giá hàng triệu USD khi ông 28 tuổi. Trưởng phòng sản phẩm của tôi cũng đã thành lập khá nhiều công ty và sau đó bán lại chúng cho người khác khi anh mới chỉ 25 – lớn hơn tôi hiện tại 2 tuổi. Ngày này qua ngày khác, tôi làm việc với hai con người rất thông minh và tài năng này. Tôi tự hỏi bản thân, tôi đã làm được những gì? Nếu khi bằng tuổi họ, liệu tôi có thành công được như họ hay không?
Những câu chuyện về Mark Zuckerberg, Bill Gates, Steve Jobs và rất nhiều nhà sáng lập trong độ tuổi 20 khác đang ghi dấu ấn của họ đối với cả thế giới đã tạo ra một sự thôi thúc đối với chúng tôi – tất cả những con người thuộc thế hệ millenial với quá nhiều hoài bão.
Và vô số câu chuyện khác nói với chúng tôi rằng chẳng có thời điểm nào tốt hơn hiện tại – khi bạn còn trẻ, vừa mới tốt nghiệp đại học và không có gì để mất – cũng chẳng thể nào khiến chúng tôi dừng khao khát. Đừng chờ đợi cho tới khi bạn có gia đình, tài sản thế chấp, trách nhiệm hay những thứ đại loại như vậy… Đó là những gì vang lên trong đầu tôi. Cảm giác đó đã khiến tôi mất kiên nhẫn. Tôi bị ám ảnh. Tôi muốn trưởng thành và tạo ra giá trị càng sớm càng tốt.
Tôi muốn đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn. Tôi muốn ngay ngày mai, bản thân mình phải khác. Tôi muốn học hỏi mọi thứ để tôi có thể tạo ra giá trị. Tất cả chúng ta đều có 24 giờ/ngày và tôi ép bản thân mình phải tận dụng từng phút để làm việc hiệu quả nhất. Nếu ăn sáng, tôi sẽ xem video về nghề nghiệp trên Udemy; nếu đang di chuyển, tôi nghe podcast; nếu đang chờ xe bus, tôi đọc báo trên Pocket; nếu không làm gì, tôi cảm thấy mình đang lùi lại so với những người khác.
Tôi nhớ cách đây vài tháng khi tôi trở về từ Thung lũng (Sillicon) – nơi rất nhiều người nói với tôi rằng nếu tôi muốn học nhanh nhất có thể trong khi đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thì tôi cần phải chuyển xuống đó. Nhiều cơ hội hơn, nhiều nguồn lực hơn, nhiều tài năng hơn và nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Nó rất có ý nghĩa. “Bất cứ ai muốn làm diễn viên cũng nên đến LA, bất cứ ai muốn khởi nghiệp/phát triển ý tưởng về công nghệ cũng nên tới SF”.
Một người bạn đã nói điều đó với tôi bởi vì có rất nhiều cơ hội ở Thung lũng, mọi người học và phát triển nhanh hơn và nếu tôi không đi lúc này, tôi sẽ tụt hậu. Điều đó làm tôi sợ hãi. Tôi không muốn thua kém bạn bè. Tôi gần như đã chuẩn bị hết đồ đạc để khởi hành.
Khi quay trở lại Toronto, tôi đã nghĩ về nó nhiều hơn một chút. Tại sao tôi thực sự muốn tới SF? Đó có thực sự là điều tôi muốn không? Và tôi nhận ra rằng trong khi hoài bão về sự nghiệp của tôi quan trọng thì gia đình, phát triển bản thân và sự cân bằng cũng quan trọng như thế.
Điều bất ngờ là sau khi đến SF, tôi gần như cảm thấy tội lỗi về việc bản thân muốn tạo ra giá trị quá sớm. Tôi nhận thấy mình đang 23 tuổi – giai đoạn tuyệt vời trong cuộc đời, tôi nên tối đa hóa những gì tôi có và tự dành cho bản thân cơ hội xây dựng nền tảng cho thành công của tôi trong tương lai thì tốt hơn.
Tôi cảm thấy xấu hổ vì sự gấp gáp của mình để bây giờ lại cảm thấy sai lầm khi đã lựa chọn.
Không ai nói với tôi rằng tôi đã sai khi muốn có sự cân bằng giữa tài chính – cuộc sống lúc mới chỉ 23 tuổi. “Văn hóa bị ám ảnh bởi năng suất làm việc” kết hợp với cảm giác thúc ép đã tạo ra sự phán xét. “Bạn PHẢI làm việc trong môi trường công nghệ – nơi mô hình agile đang phát triển, tốc độ và quy mô luôn luôn được tập trung hàng đầu. Trong thế giới này, nếu bạn không di chuyển thật nhanh, bạn không thể đương đầu với những đối thủ khác”. Tất cả đều là sự áp đặt.
Thế nên, tôi bắt đầu coi mình như một người “chưa hề biết gì cả”.
Tôi dành 3 giờ đồng hồ ngồi ở Indigo sau giờ làm việc, chọn một cuốn sách và đọc nó từ đầu đến cuối. Tôi không nhớ lần cuối mình đọc sách là lúc nào và cũng không biết điều gì đã thúc tôi làm như vậy. Nhưng cảm giác quả rất tuyệt.
Cuốn sách vô cùng thú vị đó đã giúp tôi quên đi tình trạng hiện tại của mình và tâm trí tôi cũng được thoải mái. Tôi buộc bản thân mình phải đọc xong nó mặc dù âm thanh trong đầu vẫn nhắc nhở tôi rằng tôi đang có 1000 thứ khác phải lo lắng và hoàn thành.
Và đoán xem? Điều gì xảy ra. Chẳng sao cả. Tôi vẫn ổn.
Đó có phải là năng suất không? Nó có lãng phí thời gian không? Tất nhiên là không! Tôi sẽ làm gì được trong tương lai? Tôi không biết. Nhưng ngay cả khi tôi chẳng biết gì thì tôi vẫn ổn. Miễn là tôi đã học được thứ gì đó và tôi đã tạo ra một vài giá trị cho cuộc đời của ai đó thì ngày hôm nay vẫn là một ngày tuyệt vời.
Tôi mới chỉ 23 tuổi và vâng, trong 2 năm nữa, tôi sẽ đi được ¼ của thế kỷ. Tôi vẫn còn 3/4 thế kỷ để học hỏi và tạo ra giá trị nhiều hơn nữa. Đó là 657.000 giờ tôi có thể làm những điều mà tôi muốn trong cuộc đời.
Thế nên, bạn mới chỉ 23 thôi. Đừng sống vội quá, đừng sống gấp quá. Hãy chậm lại một chút để cảm nhận tuổi trẻ của bạn và thấy rằng bạn còn rất nhiều thứ khác để làm. Hãy chấp nhận tiến chậm hơn để học hỏi nhiều hơn và xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của bạn.