Theo Global News, các chuyên gia cho rằng những triệu chứng phổ biến như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi và chảy nước mắt kéo dài là do biến đổi khí hậu gây ra.

Biến đổi khí hậu làm tăng tình trạng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ảnh: Naturally Yours.

Chia sẻ trên Global News, bà Jennifer Protudjer – trưởng nhóm nghiên cứu về dị ứng, hen suyễn và môi trường của Đại học Manitoba – nhận định biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và khiến các căn bệnh này trầm trọng hơn.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe

Cụ thể, tại Manitoba (Canada), phấn hoa là chất gây dị ứng chính theo mùa. Phấn hoa từ cây sồi và cây bạch dương gây ra phản ứng hô hấp, nhưng bà Protudjer nói rằng những người mắc bệnh hen suyễn có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thực phẩm trong phản ứng chéo.

“Đó là điều sẽ xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra một phân tử có liên quan chặt chẽ với một loài khác. Chẳng hạn, việc bổ sung các loại trái cây hoặc rau củ không hạt như cà rốt và cần tây có thể gây phản ứng ở những người dị ứng với phấn hoa sồi hay bạch dương”, bà Protudjer nói.

Ông Neil Johnston – Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Phổi Manitoba – cũng thông tin Manitoba đang nóng lên. Với tư cách là nhà trị liệu hô hấp, ông Johnston nhận thấy tác động lâu dài của chất gây dị ứng ở Manitoba đối với phổi. Ngoài phấn hoa, khói cháy rừng cũng là chất gây dị ứng phổ biến trong tỉnh này, có thể gây ra các cơn hen suyễn và những triệu chứng dị ứng. Các hạt khói, phấn hoa gây kích ứng phổi được gọi là hạt bụi mịn.

“Những hạt bụi mịn thực sự có thể đi qua các mô phổi và đi vào hệ thống máu, gây ra đủ loại vấn đề ở phổi cũng như khắp cơ thể”, ông Neil Johnston nói.

Khi mùa phấn hoa kéo dài cùng nhiệt độ tăng, mùa cháy rừng và khói cũng sẽ tăng theo. Các đám cháy không nhất thiết phải xảy ra cục bộ thì chất lượng không khí mới bị ảnh hưởng vì khói từ các đám cháy rừng có thể bay xa hàng nghìn km.

Ông Johnston nhận xét khói từ các đám cháy thiêu rụi những khu vực phát triển là mối quan tâm hàng đầu. Dù thỉnh thoảng, việc tiếp xúc với khói cháy rừng là bình thường, ông Neil Johnston khuyên những người có sức khỏe tốt nên tránh khói cháy rừng bất cứ khi nào có thể. Việc hít thở khói cháy rừng trong thời gian dài dễ gây ra bệnh hen suyễn ở một người khỏe mạnh.

Bệnh hen suyễn không chỉ gây nguy hiểm cho người lớn, mà còn với trẻ em. Ảnh: Shutterstock.

Áp lực cho dịch vụ y tế

Trang Global News nhận định khi khí hậu ấm lên và các chất gây dị ứng trở nên phổ biến, nhiều người có thể đối mặt với tình trạng thay đổi cuộc sống.

Ông Andrew Halayko – trưởng nhóm nghiên cứu về bệnh phổi và phương pháp điều trị tại Đại học Manitoba, cho biết bệnh hen suyễn là lý do số một khiến trẻ em đến các khoa cấp cứu ở Canada. Ông cũng dự báo việc biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm tăng thêm áp lực cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

“Tác động cấp tính là những người bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí kém hoặc khói cháy rừng sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn và họ cần được chăm sóc y tế tốt. Ngoài các triệu chứng tức thời, những phản ứng hô hấp liên tục tái phát còn làm giảm khả năng chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng khác của cơ thể, kéo theo sự suy giảm khả năng chống nhiễm trùng trong phổi”, ông Andrew Halayko nói.

Hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến khí hậu địa phương cũng như sức khỏe của con người. Vì vậy, việc đối mặt với tác hại ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào cách con người làm gì để ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link