Người bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nên tập thể dục, bỏ hút thuốc, tiêm cúm và không nên uống đồ có đường, ăn nhiều carb, bỏ bữa hay lo sợ.

5 điều nên làm

Tập thể dục

Tập thể dục giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường và kiểm soát bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị bệnh nhân tiểu đường nên vận động thể chất cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày (như đi bộ nhanh), năm ngày một tuần. Chọn các hoạt động bạn thích hoặc tập thể dục với bạn bè, người thân để có thể dễ dàng biến chúng thành thói quen. Nếu bạn thích ở một mình, hãy nghe podcast hoặc âm nhạc trong lúc tập luyện.

Bỏ hút thuốc

Bỏ thuốc lá là điều tốt nhất bạn có thể làm cho sức khỏe của mình. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ cao hơn, hút thuốc càng làm tăng nguy cơ này. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về kế hoạch bỏ thuốc.

Tiêm cúm

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong vì cúm cao gấp ba lần so với người khác. Các triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường làm tăng khả năng khiến người bệnh bị cúm và ảnh hưởng tới sức khỏe. Ví dụ, lượng đường trong máu cao làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, tổn thương thần kinh (một biến chứng của bệnh tiểu đường) dễ khiến bạn bị thương ở chân, khiến vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn. Tiêm phòng cúm vào đầu mùa cúm là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng cúm.

Uống thuốc thường xuyên và kiểm tra lượng đường trong máu

Có đến 50% (hoặc nhiều hơn) những người mắc bệnh tiểu đường ở Mỹ không dùng thuốc thường xuyên. Có một số lý do khiến điều này xảy ra, chẳng hạn như không hiểu rõ về hướng dẫn hoặc tác dụng phụ, thiếu theo dõi hoặc lo ngại về tài chính. Tuy nhiên, hiểu lý do tại sao bạn cần từng loại thuốc và biết cách dùng chúng là điều cần thiết để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.

Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu và xác định những việc như tập thể dục, căng thẳng và một số loại thực phẩm tác động đến mức đường huyết ra sao. Nếu không hiểu, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để nhận các khuyến nghị.

Ngủ quá nhiều

Giấc ngủ và lượng đường trong máu đi đôi với nhau. Nếu không ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, đói và ăn nhiều hơn. Thực tế, những bệnh nhân không ngủ đủ giấc cũng có nhiều khả năng lựa chọn thực phẩm không lành mạnh và đồ ăn nhanh. Giấc ngủ kém có liên quan đến việc tăng cân và được một số người cho là góp phần gây ra tiền đái tháo đường. Ngoài ra, lượng đường trong máu không được kiểm soát có thể dẫn đến ngủ ít hơn do thường xuyên phải thức dậy để đi tiểu. Vì thế, hãy cố gắng ngủ từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm.

Hiểu rõ về bệnh tiểu đường và kiểm soát lượng đường ở mức an toàn giúp người bệnh sống vui và khỏe mạnh.
Hiểu rõ về bệnh tiểu đường và kiểm soát lượng đường ở mức an toàn giúp người bệnh sống vui và khỏe mạnh.

5 điều không nên làm

Dùng đồ uống có đường

Nước ngọt, trà ngọt, nước uống thể thao và nước tăng lực chứa nhiều đường và có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến. Những đồ uống này có thể chứa hơn 40 g đường trong mỗi khẩu phần. Thêm vào đó, những người tiêu thụ nhiều đồ uống có đường nhiều khả năng bị thừa cân và khó giảm cân hơn. Soda ăn kiêng được làm ngọt nhân tạo là một lựa chọn tốt hơn cho lượng đường trong máu của bạn, nhưng tiêu thụ nhiều soda ăn kiêng cũng có thể dẫn đến các vấn đề về cân nặng. Nước lọc sẽ giữ cho bạn đủ nước và làm dịu cơn khát.

Ăn bim bim

Một lượng nhỏ bim bim chứa lượng carb lớn, trong khi chỉ cần ngồi một lúc bạn có thể ăn hết nửa gói. Vì thế, nếu bạn muốn ăn món này, hãy lấy một cái bát và đổ ra một lượng nhỏ.

Ăn nhiều pasta và các loại carb khác

Nếu món chính của bạn hiện bao gồm một lượng lớn gạo hoặc mì ống với một lượng nhỏ protein, bạn nên đưa ra những lựa chọn về dinh dưỡng tốt hơn. Các bữa ăn nhiều carb không chỉ khiến bạn đói và muốn ăn lại sớm, mà carbohydrate còn làm tăng lượng đường trong máu. Điều quan trọng là bữa ăn của bạn nên gồm rau, trái cây và các thành phần lành mạnh khác để kiểm soát bệnh tiểu đường. Có thể cân nhắc đến gặp chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia về tiểu đường nếu bạn cần trợ giúp lập kế hoạch bữa ăn.

Bỏ bữa

Bỏ bữa có khả năng dẫn đến lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết nếu bạn đang dùng một số loại thuốc trị tiểu đường. Trong khi những người mắc bệnh tiểu đường cần ăn ít nhất ba bữa mỗi ngày, nhiều bệnh nhân thấy rằng ăn các bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn không chỉ giúp họ kiểm soát lượng đường trong máu mà còn kiểm soát việc ăn uống tốt hơn.

Lo sợ

Một số người đã quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống của họ sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người khác chỉ cần thực hiện một vài điều chỉnh quan trọng. Bệnh tiểu đường không khiến bạn bị giới hạn, nhưng bạn cần nâng cao kiến thức và hiểu về căn bệnh này để không cảm thấy lo sợ.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link