Người Việt tiêu thụ muối cao hơn thế giới 2-3 lần
Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi chúng ta. Ước tính, mỗi ngày, một người Việt Nam tiêu thụ từ 12-14mg muối. Cụ thể hơn, người Nghệ An ăn khoảng 14mg muối/ngày, người Thừa Thiên Huế là 13mg/ngày, dân Hà Nội là 9mg/ngày…
Với mức tiêu thụ này, hàm lượng muối mà chúng ta nạp vào cơ thể nhiều hơn mức khuyến cáo trung bình của thế giới là 2-3 lần. Điều đó dẫn tới tỷ lệ người cao huyết áp, tim mạch ở nước ta cũng cao hơn mức trung bình và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo một điều tra Quốc gia về bệnh huyết áp, có đến ¼ số người từ 25 tuổi trở lên bị cao huyết áp, nguyên nhân phần xuất phát từ chế độ ăn quá mặn.
Cũng như nước ta, người dân ở phía Bắc Nhật Bản đã từng tiêu thụ muối rất nhiều, lên tới 25-30mg/ngày, dẫn tới số người cao huyết áp ở đây chiếm 40%. Trong khi đó, với lượng muối ăn ít hơn 1 nửa (chỉ khoảng 10mg), chỉ có 20% người dân phía Nam quốc gia này cao huyết áp.
Không chỉ là nguyên nhân dẫn tới bệnh về huyết áp, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng: tiêu thụ muối quá nhiều sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho thận. Nhiều người thậm chí còn bị sỏi thận, suy thận vì lý do này.
Có thể phù não vì thiếu muối
Nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng của chế độ ăn mặn, trong những năm gần đây, người ta đã dần biết cách cắt giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn. Với những người đang mắc bệnh về huyết áp, tim mạch, họ còn gần như không ăn mặn. Ở trẻ nhỏ, nhiều cha mẹ còn sẵn sàng cho trẻ ăn nhạt hoàn toàn, tức là không nêm nếm bất cứ gia vị nào vào thức ăn.
Ăn nhạt thì tốt, nhưng ăn quá nhạt hay ăn nhạt hoàn toàn liệu có thực sự tốt cho sức khỏe? Phân tích vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai, trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: thực tế, trong mồ hôi, nước mắt, thậm chí là nước tiểu của chúng ta đều có muối.
Chính vì thế, nếu không cung cấp lượng muối đủ cho cơ thể mỗi ngày, nó sẽ dẫn tới thiếu điện giải, kéo theo rối loạn chuyển hóa, giảm thể tích máu – nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh nguy hiểm như: huyết áp thấp, biếng ăn sinh lý trầm trọng, chuột rút, phù não, tâm thần, lơ ngơ…
Vẫn theo Tiến sĩ Mai, việc các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên ăn nhạt khác hẳn với việc ăn nhạt hoàn toàn hay ăn quá nhạt. Ăn nhạt là nêm nếm gia vị theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, còn ăn quá nhạt là nêm dưới mức này, thậm chí là không nêm bất cứ gia vị nào.
Theo đó, Tiến sĩ Mai cho rằng, người trưởng thành khỏe mạnh có thể ăn 5g muối/ngày. Trẻ nhỏ cũng cần ăn muối nhưng hàm lượng sẽ ít hơn người lớn. Cụ thể, trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần dưới 1g muối/ngày, trẻ từ 1-3 tuổi tiêu thụ tối đa 3mg muối.ngày và từ 7 tuổi trở lên, mỗi ngày có thể dùng tối đa 5g muối.
Với những người đang mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch, thận…. lượng muối có thể giảm nhưng giảm bao nhiêu cần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Riêng trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, bạn có thể không cần bổ sung muối vào thức ăn hàng ngày bởi trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, trứng, sữa, rau củ… đã có phần nào muối, phù hợp với lượng muối khuyến cáo của các chuyên gia. Nếu muốn bổ sung thì chỉ cần nêm gia vị đến khi lưỡi hơi có cảm giác là được.
Trong trường hợp trẻ đã trên 1 tuổi mà chúng ta không bổ sung muối vào bữa ăn hàng ngày thì hậu quả đối với sức khỏe cũng tương tự như người đã trưởng thành, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì đây là giai đoạn cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện cũng như não rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài.
Như vậy, có thể thấy, việc một người có nên sử dụng chế độ ăn ít muối so với bình thường hay không phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác của người đó chứ không đơn thuần là dựa vào cảm quan của bản thân mỗi người. Và nếu đang có sức khỏe bình thường, việc tự ý cắt giảm lượng muối xuống dưới mức khuyến cáo là điều không nên vì hệ lụy của nó để lại với sức khỏe đôi khi còn nguy hiểm hơn là việc ăn mặn hơn một chút.