Khi ngâm chân nên tránh nơi gió thổi mạnh đồng thời không ngâm quá lâu, không tiếp xúc với nước lạnh ngay sau khi ngâm chân.

1. Không ngâm chân nơi lộng gió

Khi ngâm chân, quá trình tuần hoàn máu được tăng tốc, lỗ chân lông giãn nở. Bạn cần tránh ngồi ở nơi lộng gió, hạn chế ngồi sát cửa sổ mở hay bật điều hòa nhằm ngăn khí lạnh xâm nhập vào cơ thể.

Ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ giúp giải tỏa căng thẳng, thư giãn cơ bắp.

2. Bổ sung nước

Người có thể trạng yếu có thể gặp phải tình trạng chóng mặt khi ngâm chân do lúc này, cơ thể có xu hướng đổ mồ hôi, mất nước. Bạn có thể chuẩn bị một cốc nước ấm, hoa quả tươi để bổ sung cho cơ thể sau khi ngâm chân.

3. Không ngâm quá lâu

Thời gian ngâm chân thường được khuyến khích khoảng 15-20 phút. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả mọi người. Tốt nhất bạn chỉ nên ngâm chân cho đến khi thấy cơ thể đổ một chút mồ hôi.

4. Lượng nước ngâm chân

Lượng nước chỉ cao đến mắt cá chân được cho là không đủ. Thay vào đó, bạn nên đổ nước ngập đến huyệt tam âm giao – nằm ở mặt trong, cách mắt cá chân khoảng 5- 6 cm. Khi ngâm chân, bạn có thể tự xoa bóp huyệt đạo này giúp hạn chế tích nước, hỗ trợ ngủ ngon hơn.

Cách sử dụng bàn tay để xác định huyệt tam âm giao.

5. Không dội nước lạnh sau khi ngâm chân

Sau khi ngâm chân, lỗ chân lông đang ở trạng thái giãn nở, vì vậy cần cẩn thận với gió, nước lạnh. Tốt nhất, hãy dùng khăn thấm khô, giữ ấm cho chân bằng tất, dép đi trong nhà, tránh đi chân trần, xả nước lạnh lên chân vào thời điểm này.

Theo Duk Sun (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H