Sỏi mật là nguyên nhân ngoại khoa chính gây ra tình trạng vàng da, song nguyên nhân đáng sợ nhất là ung thư đường mật. Vàng da do các u lành tính rất hiếm gặp. Đa số khối u phát hiện trên đường mật là ác tính.

Ung thư đường mật ít gặp hơn ung thư gan. Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện khá trễ, ảnh hưởng kết quả điều trị và thời gian sống của bệnh nhân.

Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 8.000 trường hợp mới mắc ung thư đường mật. Một nghiên cứu của tác giả Kim và cộng sự tại Hàn Quốc khảo sát trong năm 2015, cho thấy tỷ lệ ung thư đường mật trong gan là 7,8/100.000 dân, ung thư đường mật ngoài gan là 6,5/100.000 dân.

Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư đường mật trong gan là 15,9% và ngoài gan là 27,8%. Tuổi mắc bệnh trung bình trong cộng đồng là 50-70, nam nhiều hơn nữ và khoảng 25-57% có kèm sỏi mật.

Hiện nay, việc phát hiện sớm ung thư đường mật khá khó khăn, đặc biệt là khi có kết hợp sỏi đường mật. Đa số trường hợp khi được phát hiện, bệnh đã xâm lấn các mạch máu quan trọng của gan, khiến cuộc phẫu thuật cắt triệt để khối ung thư gặp nhiều khó khăn.

Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất khi mắc ung thư đường mật. Dấu hiệu này xuất hiện ở khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện đau bụng (30-50%), sốt nhiễm trùng đường mật, ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn sụt cân. Trong các trường hợp muộn, người bệnh có xuất hiện báng bụng (dịch trong bụng).

TS.BS Võ Văn Hùng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) chia sẻ.

Theo znews – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link