Nhiều người bị ngứa, hắt hơi, ho… bất ngờ khi “thủ phạm” là loại mạt bụi nhà bám trên các sợi vải của nệm, chăn gối…
Chị B.H.T. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) thường xuyên có cảm giác ngứa râm ran ở tay, chân, ho nhiều về đêm. Nghĩ do ga nệm không sạch sẽ, chị T. đã giặt nhiều lần, thậm chí cẩn thận dùng dung dịch tẩy rửa, nhưng một vài ngày sau, tình trạng này vẫn tiếp tục.
Các vết ngứa đỏ ngày một nhiều, lan rộng hơn, chị T. quyết định đi xét nghiệm tầm soát dị ứng. Kết quả cho thấy người phụ nữ bị dị ứng với hai con mạt bụi nhà (Dp, Df). Theo nghiên cứu của nhóm TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, hơn 90% bệnh nhân dị ứng đến khám có mẫn cảm với ít nhất một loại mạt bụi nhà.
Theo TS Duy, con mạt bụi nhà có thể gây ra dị ứng với những triệu chứng ở đường hô hấp như: ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, thậm chí là lên cơn hen suyễn khi tiếp xúc với một môi trường có nhiều mạt bụi. Một số người có triệu chứng ngứa da như nổi mày đay hoặc viêm da cơ địa, nhưng số đó thường ít hơn.
Mạt bụi nhà không giống ký sinh trùng, không như con cái ghẻ đào hang trong da, hay cắn gây ngứa. Người bị ngứa, có triệu chứng dị ứng là do tiếp xúc với phân hoặc xác của con mạt bụi nhà. “Máy lọc không khí giúp lọc bụi mịn, hoá chất có trong không khí nhưng không thể lọc được mạt bụi nhà”, bác sĩ Duy nói.
Hiệp hội Phổi (Mỹ) cũng định nghĩa mạt bụi là loài gây hại rất nhỏ, giống côn trùng, ăn tế bào da chết của con người và phát triển mạnh ở môi trường ấm áp, ẩm ướt. Chúng xuất hiện một cách tự nhiên và có thể xuất hiện ở hầu hết ngôi nhà. Loài vật siêu nhỏ này ẩn nấp trong ga trải giường, nệm, đồ nội thất bọc nệm, thảm hoặc rèm cửa.
Độ ẩm là yếu tố quan trọng nhất quyết định liệu một ngôi nhà có mức độ mạt bụi cao hay không. Điều này là do mạt bụi không uống nước như chúng ta. Chúng hấp thụ độ ẩm từ không khí. Ở những nơi có độ ẩm thấp hoặc không khí nóng bức, mạt bụi không thể tồn tại.
Để kiểm soát mạt bụi nhà, người dân cần giữ độ ẩm trong nhà dưới 60%. Đồng thời, thường xuyên làm sạch, phơi gối, chăn, mền… ra nắng để tiêu diệt mạt bụi nhà, sau đó giũ sạch bụi. Người dân nên sử dụng các loại vải bọc nệm hay gối có khả năng chống mạt nhà.
Theo Nguyễn Thuận (znews) – Ảnh: T.H