Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra chất béo chuyển hóa có hại đang làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong cho 5 tỷ người trên thế giới.
Thức ăn nhanh là một trong những thực phẩm chứa nhiều trans-fat gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh: Heart And Stroke.
Trang The Daily Star đưa tin kể từ lần đầu tiên WHO kêu gọi thế giới loại bỏ chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp (trans-fat) vào năm 2018, với mục tiêu được đặt ra đến năm 2023; hiện tại, mức độ bảo vệ dân số của các chính sách loại bỏ chất béo chuyển hóa đã tăng gấp 6 lần.
43 quốc gia đã thực hiện các chính sách tốt nhất để giải quyết chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, tương đương với 2,8 tỷ người trên toàn cầu được bảo vệ.
Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến đáng kể, điều này vẫn khiến 5 tỷ người còn lại trên thế giới đối mặt với rủi ro mà chất béo chuyển hóa gây ra, vì mục tiêu loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa vào năm 2023 vẫn chưa thể hoàn thành.
Chất béo chuyển hóa (hay axit béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp) thường được tìm thấy trong thực phẩm đóng gói, đồ nướng, dầu ăn và bơ. Hàng năm, lượng chất béo chuyển hóa là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong trên toàn cầu do bệnh tim mạch vành.
Trang The Daily Star nhận định các phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ chất béo chuyển hóa cần phải dựa trên những tiêu chí cụ thể do WHO thiết lập.
Theo đó, 2 lựa chọn được cho là khả thi nhất. Thứ nhất, quốc gia phải giới hạn chỉ có 2 g chất béo chuyển hóa trên 100 g tổng chất béo đối với tất cả thực phẩm. Thứ hai, các quốc gia phải áp dụng lệnh cấm trên toàn quốc đối với việc sản xuất hoặc sử dụng dầu hydro hóa một phần (nguồn chất béo chuyển hóa chính) làm thành phần trong tất cả thực phẩm.
Năm 2023, WHO khuyến nghị các quốc gia nên tập trung vào 4 việc sau để loại bỏ chất béo chuyển hóa là áp dụng chính sách tốt nhất; theo dõi và giám sát; thay thế dầu tốt cho sức khỏe và vận động chính sách.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H