Vệ sinh giấc ngủ kém, tác dụng phụ của thuốc, các cơn đau mãn tính, rối loạn giấc ngủ… là lý do khiến bạn dù rất mệt nhưng không ngủ được.

Nilong Vyas, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về giấc ngủ, cho biết có sự khác biệt giữa cảm giác buồn ngủ và mệt mỏi.

“Cảm thấy mệt mỏi có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm căng thẳng cảm xúc, mệt mỏi quá gắng sức khi tập thể dục, sau một ngày bận rộn hoặc thậm chí nhiều ngày liên tục bị gián đoạn giấc ngủ. Buồn ngủ là kết quả của các phản ứng hóa học trong não cho cơ thể biết đã đến giờ nghỉ ngơi”, cô nói với Best Life.

Theo các bác sĩ và chuyên gia về giấc ngủ, có 6 lý do khiến bạn mệt nhưng không thể ngủ được:

6 lý do khiến bạn dù mệt mỏi nhưng không thể ngủ

1. Bạn vệ sinh giấc ngủ kém

Monique May, quyền Cố vấn Y tế của Aeroflow Sleep và là bác sĩ gia đình, cho biết thói quen lối sống ảnh hưởng nhiều đến việc đi vào giấc ngủ. May khuyên bạn nên thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt để chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi nhanh hơn.

“Ăn ngay trước khi đi ngủ, uống caffein hoặc rượu trước khi ngủ, sử dụng thuốc kích thích, hút thuốc lá và vệ sinh giấc ngủ kém cũng có thể khiến bạn bị khó ngủ”, May nói. “Vệ sinh giấc ngủ kém có nghĩa là xem tivi hoặc bất kỳ màn hình nào trên giường, ngủ không đúng giờ, sử dụng phòng ngủ cho các hoạt động khác ngoài ngủ và quan hệ tình dục. Giữ cho phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh giúp duy trì giấc ngủ”.

2. Tác dụng phụ của thuốc

Chuyên gia về giấc ngủ cho biết tác dụng phụ của thuốc cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi về thể chất nhưng không thể ngủ được.

“Đặc biệt, các loại thuốc kích thích, chẳng hạn như thuốc dùng để điều trị chứng tăng động giảm chú ý hoặc trầm cảm, và thuốc giảm cân có thể khiến bạn khó ngủ”, May nói. “Thuốc lợi tiểu và thuốc nhuận tràng, nếu dùng quá muộn trong ngày, có thể làm gián đoạn giấc ngủ do khiến bạn phải đi vệ sinh thường xuyên. Các loại thuốc khác có thể gây ra vấn đề bao gồm steroid, huyết áp, co giật”.

Nếu bạn không chắc liệu thuốc mình đang dùng hoặc sự kết hợp của các loại thuốc có thể gây mất ngủ hay không, hãy tham khảo danh sách đầy đủ các loại thuốc hàng ngày của bạn với bác sĩ hoặc dược sĩ. Họ có thể giúp xác định liệu thuốc hoặc tương tác thuốc có gây ra vấn đề hay không.

3. Các cơn đau mãn tính

Sean Ormond, bác sĩ chuyên về gây mê và quản lý cơn đau ở Glendale, bang Arizona, cho biết cơn đau mãn tính là một nguyên nhân phổ biến khác gây mất ngủ.

“Những bệnh nhân bị đau mãn tính thường phải vật lộn để tìm tư thế ngủ thoải mái hoặc có thể bị đánh thức bởi cơn đau. Các tình trạng như viêm khớp, đau cơ xơ hóa và đau lưng mãn tính có thể làm gián đoạn giấc ngủ một cách đáng kể. Chứng mất ngủ liên quan đến cơn đau thường có thể là một vòng luẩn quẩn, vì thiếu ngủ có thể làm tăng độ nhạy cảm với cơn đau”, ông nói với Best Life.

4. Bạn đang đấu tranh với một vấn đề sức khỏe tâm thần

Đôi khi cơ thể bạn đã sẵn sàng cho giấc ngủ, nhưng bộ não lại có những ý tưởng khác. Điều này đặc biệt phổ biến ở những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc lo lắng, cả hai đều có liên quan đến tỷ lệ mất ngủ cao hơn. Trên thực tế, theo Johns Hopkins Medicine, có 75% người trầm cảm bị mất ngủ.

May cho biết: “Những người mắc các bệnh này có thể cảm thấy khó đi vào giấc ngủ. Tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực cũng có thể khiến giấc ngủ trở nên khó khăn”.

5. Bạn bị rối loạn giấc ngủ

Những người bị rối loạn giấc ngủ thường không khó đi vào giấc ngủ nhưng lại cảm thấy ngủ yên. “Tuy nhiên, một số rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên và rối loạn cử động chân tay định kỳ, có thể cản trở khả năng đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ”, Ormond nói.

Việc giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn có thể phá vỡ chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của bạn, dẫn đến tình trạng quá mệt mỏi hoặc gián đoạn nhịp sinh học. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thường xuyên thức dậy vào ban đêm. Họ có thể giúp bạn điều trị hoặc giảm nhẹ vấn đề.

6. Bạn có một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác

Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi nhưng không thể ngủ được, có thể nguyên nhân là do một tình trạng tiềm ẩn nào đó – theo Ormond. Ông cho biết: “Các tình trạng y khoa như bệnh tim, bệnh phổi, tiểu đường và tình trạng thoái hóa thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt và thời kỳ mãn kinh cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ”.

Hãy nói chuyện với bác sĩ về đầy đủ các triệu chứng bạn đang trải qua để xác định hoặc loại trừ bất kỳ tình trạng cơ bản nào có thể gây ra chứng mất ngủ của bạn.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link