Mất ngủ, cáu giận, đói hay tập luyện quá sức… đều có thể khiến chỉ số đường trong máu tăng vọt.
1. Mất ngủ
Thức khuya, mất ngủ trước hết sẽ làm tăng tính hưng phấn của thần kinh giao cảm, giảm nhạy cảm với insulin. Ngoài ra, mất ngủ cũng làm tăng tiết các hormone đối kháng với insulin như cortisol và ức chế bài tiết insulin.
Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn và nếu không ngủ đủ giấc, lượng đường trong máu cũng có thể tăng lên.
Để tránh tình trạng này, điều chỉnh lịch trình ngủ là điều cần thiết. Đi ngủ muộn nhất trước 11 giờ tối và duy trì thời gian ngủ từ 6-9 tiếng. Tốt nhất nên kiểm soát thời gian ngủ trưa trong vòng 30 phút, để không làm rối loạn đồng hồ sinh học và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.
2. Ốm
Khi bị ốm (sốt, chấn thương, phẫu thuật, bệnh hiểm nghèo, ngộ độc…) , cơ thể sẽ trải qua hàng loạt thay đổi sinh lý hoặc bệnh lý, dẫn đến tăng đường huyết do stress. Giải pháp là tích cực hạ đường huyết dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, sau giai đoạn cấp tính, lượng đường trong máu sẽ dần trở lại mức ổn định.
3. Tâm trạng không tốt
Khi xúc động, hồi hộp, lo lắng hay tức giận, các dây thần kinh giao cảm của cơ thể trở nên hưng phấn, kích thích tiết hormone catecholamin, đồng thời giảm độ nhạy cảm với insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Vì thế, nên cố gắng giữ thái độ tốt, tránh lo lắng, hoang mang, nếu không tự điều chỉnh được thì có thể nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn. Sau khi tâm trạng bình tĩnh trở lại, lượng đường trong máu sẽ dần trở lại bình thường.
4. Tập thể dục quá sức
Vận động gắng sức hoặc quá sức trong khi tập luyện không chỉ không giảm được lượng đường trong máu mà còn làm tăng lượng đường trong máu.
Nguyên nhân là do vận động quá sức đòi hỏi phải huy động một lượng lớn glucose, thúc đẩy sự gia tăng các hormone đối kháng insulin (như hormone vỏ thượng thận, hormone tăng trưởng) trong cơ thể, gây ức chế tiết insulin, thúc đẩy quá trình phân hủy glycogen ở gan, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Để tránh tình trạng này, nên tránh tập quá sức hay tập thể dục vào sáng sớm khi bụng đói.
5. Quá đói
Đói có thể gây hạ đường huyết, nhưng nếu bạn quá đói, tình trạng tăng đường huyết trở lại có thể xảy ra sau khi hạ đường huyết.
Lý do là khi bị đói trong thời gian dài và lượng đường trong máu quá thấp, cơ thể sẽ bắt đầu tự bảo vệ mình, sử dụng glycogen cơ bắp và glycogen gan dự trữ, đồng thời tăng cường tạo đường, tăng tiết hormone glucagon và buộc lượng đường trong máu tăng lên.
Gợi ý cho bạn là nên sắp xếp các bữa ăn đều đặn và đủ định lượng. Cố gắng ăn sáng không muộn hơn 7h và ăn tối không muộn hơn 19h, các bữa ăn cách nhau 5 đến 6 tiếng.
6. Thay đổi nhiệt độ
Thay đổi nhiệt độ (chẳng hạn như thời tiết lạnh hơn) có thể kích thích tiết hormone adrenaline, đẩy nhanh quá trình giải phóng glycogen từ gan, đồng thời ức chế tiết insulin, làm chậm quá trình chuyển hóa đường, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Vì vậy, nên chú ý đến sự thay đổi của thời tiết, không điều chỉnh nhiệt độ trong nhà quá thấp vào mùa hè (26°C-27°C là đủ) , mở cửa sổ 2 giờ một lần để thông gió, không để gió lạnh từ máy điều hòa thổi trực tiếp vào cơ thể.
7. Uống thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu
Một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc kháng viruss, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai, thuốc ức chế miễn dịch… có thể kích thích đường huyết tăng cao và gây tăng đường huyết thoáng qua.
Lời khuyên cho bạn là nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thông thường sau khi ngừng thuốc đường huyết sẽ dần trở lại bình thường. Nếu lượng đường trong máu vẫn cao hoặc dao động lớn, hãy đi khám bác sĩ kịp thời để có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H