Dùng dụng cụ ngoáy tai để lấy ráy thường xuyên có thể gây kích thích ống tai, làm viêm nhiễm, thậm chí ảnh hưởng đến thính giác.

Thói quen ngoáy tai, lấy ráy tai thường xuyên không tốt cho tai. Ảnh: Sohu
Thói quen ngoáy tai, lấy ráy tai thường xuyên không tốt cho tai. Ảnh: Sohu

Có cần thường xuyên loại bỏ ráy tai không?

Ráy tai chủ yếu gồm bụi trong không khí và dịch tiết của tuyến da trong ống tai. Ráy tai chủ yếu có màu vàng, khô hoặc ẩm. Ráy khô thường dễ rơi ra, còn ráy ướt thì dính vào tai, khó làm sạch hơn.

Nhiều người có thói quen ngoáy tai khi không có việc gì làm, cho rằng hành động này khiến tai sạch hơn. Nhưng thực tế hành vi này rất không tốt. Bạn không cần phải ngoáy tai thường xuyên và ráy tai cũng không bẩn như bạn nghĩ. Sự tồn tại của ráy tai có một ý nghĩa nhất định.

Ráy tai đóng vai trò như một lớp màng bảo vệ có thể ngăn chặn một số vật lạ, bụi hoặc một số côn trùng nhỏ trong không khí xâm nhập ống tai, do đó giảm nguy cơ tổn thương tai. Hơn nữa, một số thành phần trong ráy tai còn có thể ức chế và tiêu diệt một số vi khuẩn, giúp tai luôn hoạt động bình thường. Ngoài ra, ráy tai còn có tác dụng dưỡng ẩm, có thể ngăn ngừa tình trạng ngứa do khô tai.

Tai có khả năng tự thanh lọc, khi bạn nói chuyện, đi lại hay cử động đầu, hai tai cũng chuyển động cùng. Trong quá trình này, ráy tai sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể, vì thế không cần phải ngoáy tai thường xuyên.

Thói quen thường xuyên ngoáy tai gây ra tác hại gì?

– Kích thích ống tai: Da ở ống tai rất mỏng manh, thường xuyên dùng dụng cụ sắc nhọn để ngoáy tai sẽ dễ gây kích ứng, tổn thương cho phần da nhạy cảm này.

Khi tai bị thương, ráy tai sẽ tiết ra nhiều hơn để bảo vệ tai, dẫn đến tích tụ ráy. Đây là lý do tại sao một số người lại lấy ráy tai nhiều hơn.

– Gây viêm nhiễm: Khi ráy tai cứng và nhiều, nhiều người có xu hướng muốn lấy nó ra thật mạnh, thậm chí không bỏ cuộc cho đến khi thấy đau.

Trên thực tế, việc ngoáy tai theo cách này rất dễ làm xước da ống tai. Khi vết thương xuất hiện trên da, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng. Cũng có một số trường hợp da bị trầy xước, tổn thương nang lông, nếu vi khuẩn xâm nhập vào nang lông sẽ gây viêm nhiễm.

– Ảnh hưởng đến thính giác: Thói quen thường xuyên ngoáy tai có thể vô tình làm thủng màng nhĩ, từ đó gây mất thính lực. Một số trường hợp nặng còn có thể gây viêm tai giữa, chỉ phục hồi được bằng phẫu thuật.

Vệ sinh tai khi ngứa thế nào?

Tuy ngoáy tai thường xuyên có hại, thỉnh thoảng vệ sinh tai sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tai, miễn sử dụng đúng phương pháp.

Khi cảm thấy ngứa, bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối vào ống tai, lắc nhẹ vài lần để ống tai được làm ẩm hoàn toàn bằng nước muối, sau đó dùng tăm bông lau nhẹ quanh tai. Lặp lại vài lần ráy tai sẽ sạch và hết cảm giác ngứa.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link