Chỉ sau 3 tháng ăn đêm, anh Trí tăng 10 kg. Tương tự, tình hình cân nặng của chị Quỳnh cũng khó kiểm soát vì chị thường đói bụng khi làm việc vào ban đêm.

Ăn khuya có thể tăng nguy cơ đái tháo đường, béo phì, thừa cân, các vấn đề liên quan đến tim mạch và dễ bị trào ngược dạ dày. Ảnh: Onlymyhealth.

Minh Trí (23 tuổi) đang làm video editor cho một agency tại TP.HCM. Tính chất công việc bắt buộc anh Trí phải thường xuyên làm đêm. Vì thế, hàng ngày, ngoài 3 bữa chính, anh thường ăn vài bữa phụ, thường là ăn đêm.

“Sau nhiều tháng ăn đêm liên tục, bụng tôi to ra rõ. Lúc về quê, mẹ tôi sửng sốt khi thấy tôi mập lên nhanh chóng. Thậm chí, mẹ lo sợ tôi mắc bệnh gì đó nên bảo tôi nhanh chóng đi khám sức khoẻ”, anh Trí nói.

Cũng như anh Trí, chị Trúc Quỳnh (25 tuổi, kinh doanh online) cũng tăng cân sau khi ăn khuya. Với lượng đơn hàng lớn và quá nhiều công việc không thể giải quyết hết trong ngày, chị Quỳnh buộc phải thức đến khuya để làm việc. Vì thế, ăn đêm là điều khó tránh khỏi.

Năng suất làm việc giảm nếu không ăn đêm

“Có nhiều hôm, khi đang làm việc, tôi phải ngưng lại một lúc để tìm chút gì đó ăn. Tuy nhiên, tôi không thực sự đói mà chỉ ’buồn miệng’, muốn kiếm thứ gì đó để nhai”, anh Trí chia sẻ.

Thông thường, anh Trí ăn tối vào khoảng 19h30. Nhưng cứ đến khoảng 22h, anh sẽ buồn miệng ăn vặt. Nếu làm việc khuya hơn, anh sẽ ăn thêm một bữa nữa.

Tại nhà, Trí dự trữ khá nhiều đồ ăn vặt phục vụ cho nhu cầu của mình, chủ yếu là đồ ngọt như bánh kẹo và nước tăng lực. Anh cho biết mình không thích ăn mì vì phải nấu nướng và dọn rửa. Với anh, ăn thực phẩm đóng gói sẵn sẽ tiết kiệm thời gian hơn.

“Tôi biết thói quen này không tốt, nhưng một khi đã buồn miệng thì rất khó tập trung. Buổi tối là khoảng thời gian dễ buồn ngủ nhất, ăn một chút gì đó sẽ giúp tôi tỉnh táo hơn. Do đó, tôi phải ăn liên tục, dù nhiều khi bữa tối vẫn còn no”, anh Trí cho biết.

Việc liên tục ăn thực phẩm đóng gói sẵn gần giờ đi ngủ kết hợp với thói quen không vận động trong thời gian dài, anh Trí tăng cân nhanh chóng. Từ 65 kg, chỉ trong 3 tháng, anh tăng hơn 10 kg.

Không ăn đêm, anh Trí nhận thấy hiệu quả công việc giảm và khó ngủ hơn. Ảnh: Eatthis.

Sau đó, anh Trí từng thử nhịn ăn vặt, không mua thêm bất kỳ món ăn vặt nào về nhà. Thay vào đó, anh mua trái cây trữ trong tủ lạnh, thử nhai kẹo cao su khi có cảm giác buồn miệng, và thậm chí anh còn uống nhiều nước lúc thèm ăn.

Tuy nhiên, mọi cách đều vô ích. Anh Trí nhận ra chỉ vài ngày sau khi thử những cách đó, anh buồn miệng, thèm ngọt và ăn nhiều hơn. Hôm nào không ăn đêm, anh Trí nhận thấy hiệu quả công việc giảm, đêm cũng khó ngủ hơn.

Tương tự Minh Trí, tính chất công việc của chị Trúc Quỳnh (25 tuổi) cũng nghiêng về ban đêm. Kinh doanh shop online tại nhà, chị thường xuyên phải thức khuya để chốt đơn và đóng hàng để kịp hôm sau giao cho khách. Việc ăn khuya theo đó cũng trở nên bình thường với chị.

Mỗi ngày, chị Quỳnh ăn 2 bữa chính là bữa trưa (khoảng 12h) và bữa tối (khoảng 20h). Nhiều đêm với lượng đặt hàng lớn, chị phải thức gói hàng cho khách đến tận 2-3h sáng. Điều này làm phát sinh thêm bữa phụ.

Trước đây, khi làm việc đến khuya, chị Quỳnh thường ăn mì gói, cơm thừa của bữa tối với đồ ăn cũ hoặc đặt đồ ăn từ bên ngoài nếu cửa hàng gần nhà còn mở. Thỉnh thoảng, chị Quỳnh mua sẵn ít bánh để trong tủ lạnh.

Nhưng sau một thời gian, chị Quỳnh bị tăng cân vì ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán và tinh bột ban đêm. Nhận thấy tình hình cân nặng dần trở nên mất kiểm soát, chị không chọn cách nhịn ăn mà chỉ thay đổi thành phần trong bữa ăn của mình.

“Nhịn ăn ban đêm là điều rất khó vì tôi phải có đủ năng lượng để làm việc. Bên cạnh việc chốt đơn và gói hàng, tôi còn phải lên kế hoạch marketing, kế hoạch phân bổ tài chính và rất nhiều việc nhỏ nhặt khác. Thực chất tôi không mệt về thể chất, vì tôi không cần phải di chuyển nhiều. Trái lại, tôi rất mệt về tinh thần. Những lúc như thế, chỉ có ăn tôi mới làm việc tiếp được”, chị Quỳnh chia sẻ.

Sau đó, chị Quỳnh chuyển qua ăn đêm với trái cây. Chị cho rằng trái cây ăn vào ban đêm nên chọn loại không có nhiều axit, tránh kích thích dịch vị dạ dày và gây đau dạ dày. Ngoài ra, chị Quỳnh cũng tránh các loại trái cây quá ngọt và chứa nhiều calories như mít hay sầu riêng.

Chị Quỳnh thường chọn các loại trái cây như chuối, táo, ổi hay dưa hấu để ăn vào ban đêm. Ảnh: Pexels.

“Theo kinh nghiệm cá nhân, thay vì ăn các loại trái cây có vị chua như cam, bưởi hay dứa, tôi chọn ăn chuối, táo, ổi và dưa hấu. Những loại này giúp hạn chế đau dạ dày và cũng không tăng cân”, chị chia sẻ.

Tuy nhiên, việc ăn hoa quả cũng không giúp chị Quỳnh no lâu. Thời gian gần đây, chị bổ sung thêm hạt sấy vào bữa phụ của mình. Theo chị Quỳnh, hầu hết hạt sấy có chứa nhiều đạm, lượng chất béo xấu cũng thấp nên phù hợp để ăn đêm.

Vấn đề sức khoẻ khi ăn đêm

ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh Dưỡng, cho biết cơ thể có nhịp sinh học riêng, nếu chúng ta ăn khuya, đồng hồ sinh học sẽ chạy sai nhịp và có thể gây hại cho sức khoẻ.

“Vào buổi sáng, sau khi thức dậy, tim chúng ta đập nhanh hơn, huyết áp tăng, dạ dày làm việc để co bóp và các cơ quan khác cũng sẽ bắt đầu hoạt động theo khung giờ nhất định. Đến tối, khoảng 21-23h, là giai đoạn nghỉ ngơi, tim bắt đầu đập chậm lại, huyết áp giảm, dạ dày và ruột nghỉ ngơi để toàn bộ cơ thể bước vào giai đoạn phục hồi”, vị chuyên gia chia sẻ.

Nếu chúng ta ăn khuya, dạ dày phải tiếp tục làm việc để tiêu hoá thức ăn, tim lại bắt đầu đập nhanh. Theo thạc sĩ Hùng, khi chúng ta ăn khuya, các cơ quan trong cơ thể sẽ nhận định đây không phải thời gian nghỉ ngơi và chúng sẽ tiếp tục làm việc.

Về lâu dài, ăn khuya sẽ dẫn đến nhiều tác hại cho sức khoẻ bao gồm tăng nguy cơ đái tháo đường, béo phì, thừa cân, các vấn đề liên quan đến tim mạch và dễ bị trào ngược dạ dày.

Thực phẩm lành mạnh có thể ăn vào ban đêm

Với tính chất đặc thù của một số ngành nghề cũng như thói quen sinh hoạt về đêm, việc ăn khuya là điều khó tránh khỏi.

“Trong trường hợp bạn thật sự buồn miệng hay đói bụng khi thức đến khuya, bạn nên chọn những thực phẩm lành mạnh, dễ hấp thu và tiêu hoá để tránh gây tác động xấu cho sức khoẻ”, thạc sĩ Hùng cho biết.

Một số loại thực phẩm chúng ta có thể ăn vào ban đêm như các loại hạt (granola), thanh ngũ cốc, cá hấp hoặc cá áp chảo (như cá hồi) và tinh bột (như khoai lang hoặc bắp). Bên cạnh đó, chúng ta cần tránh các món khó tiêu hoá như chiên xào, thịt ba rọi, gân sụn, món nướng, hay mì gói.

Về thức uống, vị chuyên gia khuyên chúng ta nên chọn nước ép, sinh tố hay các loại nước không đường hoặc ít đường.

Ngoài ra, chúng ta cần hạn chế thức uống chứa caffeine vì chất này có thể tồn tại trong máu 6-8 giờ. Khi uống caffeine, tim đập nhanh, huyết áp tăng, nhờ đó mà tinh thần cũng sẽ tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, theo thời gian, nó có thể gây rối loạn giấc ngủ.

Theo Nam Giao – Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H