Ấn Độ đang chìm trong làn sóng dịch bệnh cúm, người dân phải chịu đựng những cơn ho kéo dài hàng ngày, thậm chí là hàng tuần.

Cúm A (H3N2) đang gây ra làn sóng dịch cúm ở Ấn Độ. Ảnh: Adobe Stock.

Theo Financial Express, bác sĩ nhận định dịch cúm hiện nay ở Ấn Độ thuộc dòng cúm A (H3N2) gây ra.

Trong vòng một tháng (tính đến ngày 31/1), quốc gia này đã ghi nhận hơn 451 trường hợp mắc và 9 người tử vong vì virus cúm A (H3N2). Hiện tại, người dân tại Ấn Độ đều bị sốt, ho, mất tiếng và khó thở.

Tiến sĩ Samrat Shah, chuyên gia tư vấn nội khoa tại Bệnh viện Bhatia Mumbai, cho biết sau triệu chứng ho có đờm kéo dài 2-3 tuần, bệnh nhân sẽ bị sốt cao trong 4-5 ngày; đau họng 7-10 ngày. Với những trường hợp này, bệnh nhân phải được dùng steroid dạng hít hoặc uống để hồi phục.

“Cúm A chủng H3N2 là mối đe dọa đối với những bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tim vì có thể dẫn đến suy tim”, tiến sĩ Samrat Shah nói.

Theo số liệu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), H3N2 là loại virus cúm phụ đang lưu hành rộng rãi trong 2, 3 tháng qua ở Ấn Độ. Loại virus này nhiều hơn một chút so với virus cúm lợn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định sự gia tăng các ca mắc cúm ở Ấn Độ tương tự sự gia tăng ở phương Tây trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 1 năm nay.

“Các bác sĩ tại Bệnh viện Primus ở New Delhi đang nhận thấy sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh theo mùa, bao gồm nhiễm virus như cúm H3N2 và các bệnh nhiễm trùng theo mùa khác, do thời tiết thay đổi nhanh chóng từ nhiệt độ lạnh sang ấm hơn”, Giáo sư SK Chhabra, Trưởng khoa Y học Chăm sóc Phổi, Giấc ngủ và Hồi sức ở Bệnh viện Primus, cho biết.

Vào tháng trước, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) đã tiết lộ sự gia tăng đột biến các ca mắc bệnh cúm ở Ấn Độ là do khả năng miễn dịch thấp của người dân và việc giảm tiêm phòng cúm. Trong khi đó, việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm hàng năm ở quốc gia này chưa bao giờ phổ biến.

WHO thông tin có 4 loại virus cúm theo mùa là loại A, B, C và D. Trong đó, virus cúm A và B gây ra các đợt dịch bệnh theo mùa. Virus cúm A (H1N1) pdm09, A (H3N2) và cúm B đã xuất hiện ở một số quốc gia.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng các trường hợp mắc bệnh cúm ở Ấn Độ thường đạt đỉnh điểm trong mùa gió mùa, từ tháng 6 đến tháng 9 với các đỉnh điểm thứ cấp trong mùa đông.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu và triệu chứng cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị ảnh hưởng bởi bệnh cúm sẽ có các triệu chứng như sốt, ho không kiểm soát, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi.

Trong đó, triệu chứng ho kéo dài có thể là do ô nhiễm không khí cản trở khả năng miễn dịch đường hô hấp, mầm bệnh đột biến mới cần nghiên cứu, chảy nước mũi sau, dị ứng đường thở, bệnh trào ngược (nhiễm axit), sử dụng kháng sinh và thuốc ngủ không hợp lý…

Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link