Một ngày năm 2020, Jayme Kelly tỉnh dậy với nửa thân người bên phải bị mất cảm giác, hai ngày sau, cô phát hiện vừa trải qua cơn đột quỵ dù mới 29 tuổi.

Ban đầu, người phụ nữ Mỹ nghi ngờ rằng một đêm mất ngủ khủng khiếp đã khiến cơ thể cô cảm thấy uể oải và nặng nề, giống như nửa người bên phải vẫn còn đang ngủ. Lúc cố gắng đi vệ sinh, Kelly phải vật lộn và ngã vài lần. Cô định gọi điện thoại giải quyết công việc nhưng không thể nhập mật khẩu nên cô quyết định ngủ thêm. “Thật là một buổi sáng tồi tệ. Tôi đã nghĩ ‘Ngủ thêm một chút và khi thức dậy, mình sẽ ổn thôi'”, Kelly nhớ lại. “Tuy nhiên, khi bạn cùng phòng phát hiện ra và hỏi ‘cậu ổn chứ?, tôi thậm chí không thể nói chuyện với cô ấy”.

Bạn cùng phòng của Kelly lo lắng đưa cô đến khoa cấp cứu. Cô gái trẻ phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt về thần kinh trước khi biết chuyện gì đã xảy ra với mình. “Tôi mất tới hai ngày mới nhận ra mình vừa đột quỵ. Tôi bị sốc. Chuyện đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi”, Kelly nói.

Ngoài cú sốc này, cuộc chiến chống lại những vấn đề kéo dài do đột quy gây ra với Kelly sau đó còn khó khăn hơn. Cô không thể cử động cánh tay, đi lại hay nói chuyện. Kelly cho biết: “Suốt thời gian nằm viện, tôi không thể nói bất cứ điều gì. Bàn tay tôi không có chút cảm giác”.

Trong một tuần ở viện, Kelly biết rằng cô mắc chứng rối loạn di truyền Yếu tố V Leiden, khiến dễ hình thành cục máu đông và huyết khối tĩnh mạch sâu, theo Thư viện Y khoa Quốc gia. Hơn nữa, việc sử dụng biện pháp tránh thai làm tăng nguy cơ phát triển các cục máu đông nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

“Họ chỉ kiểm tra Yếu tố V cho tôi vì tôi bị đột quỵ”, Kelly nói. “Lúc đó tôi cũng đang dùng biện pháp tránh thai, điều mà rất nhiều phụ nữ đang làm, và các hormone đã phản ứng với Yếu tố V Leiden”.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác bao gồm huyết áp cao, hút thuốc, bệnh tiểu đường, cholesterol cao, ít vận động, béo phì, bệnh động mạch, uống quá nhiều rượu bia, rối loạn máu, tiền sử hoặc các cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA hoặc đột quỵ nhỏ)

Kelly khi phải nằm viện điều trị sau đột quỵ (trái) và trong thời gian phục hồi chức năng (phải). Ảnh: Courtesy American Heart Association Go Red for Women
Kelly khi phải nằm viện điều trị sau đột quỵ (trái) và trong thời gian phục hồi chức năng (phải). Ảnh: Courtesy American Heart Association Go Red for Women

Sau một tuần, Kelly chuyển sang phục hồi chức năng nội trú, nơi cô bắt đầu trị liệu nghề nghiệp, thể chất và ngôn ngữ để phục hồi trong hai tuần tới. Kelly lấy lại khả năng nói rất chậm. “Điều đầu tiên tôi có thể nói là ‘Ôi Chúa ơi, con về rồi’ vì mẹ tôi rất thích trêu chọc tôi về điều đó'”, Kelly kể. “Khi tôi ra khỏi trung tâm phục hồi, tôi đã có thể nói ‘Tên tôi là Jayme Kelly,’ ‘Bạn có khỏe không?’ và ‘Tôi yêu bạn'”.

Kelly trở về sống với bố mẹ và tiếp tục điều trị ngoại trú. Đôi khi thấy bực bội vì không thể nói được, cô thường trò chuyện với cháu gái và cháu trai, những đứa trẻ cũng đang bập bẹ học nói. “Cháu gái nói tôi giống như Ariel trong ‘Nàng tiên cá’. Tôi đang học cách nói chuyện. Việc đó thật khó khăn”, cô kể.

Kelly cũng phải vật lộn để đọc chữ sau lần đột quỵ. Cô cảm thấy xấu hổ và thất vọng. “Lúc đó cảm giác của tôi kiểu như ‘Tôi không thể nói với bất cứ ai rằng tôi không đọc được nữa. Tôi không thể'”, cô nói. “Nếu nhìn thấy tôi trên đường, không ai thực sự biết tôi là người sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng sự thật là thế. Tôi cũng không muốn ai biết tôi đã bị trầm cảm… Tôi không muốn ai thực sự hiểu tôi đã tồi tệ như thế nào. Tôi đã phát điên lên biết bao nhiêu”.

Kelly từng khóc khi tắm và trong quá trình trị liệu ngôn ngữ. Dần dần, cô gặp ác mộng vào mỗi buổi tối và bắt đầu mất ngủ. Cuối cùng, nhà trị liệu và chị gái đã thúc giục Kelly nói chuyện với một chuyên gia tâm lý. “Tôi rất lo lắng khi đến gặp bác sĩ tâm lý vì ngày hôm đó là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi và tôi không muốn quay lại đó. Tôi không muốn hồi tưởng lại nó”, Kelly nói. “Nhưng càng nói về nó, tôi càng cảm thấy tốt hơn”.

Trong khi học nói, đọc, đi lại và sử dụng tay phải, Kelly một lần nữa cảm thấy khó khăn. “Tất cả những ai trải qua cơn đột quỵ, đau tim hay điều gì đó tương tự đều sẽ bị trầm cảm. Bạn cần phải lên tiếng. Khóc cũng được. Sợ hãi và lo lắng là điều bình thường. Nhưng bạn cần phải nói về nó”, cô nói.

Khi sức khỏe được cải thiện, Kelly trở lại làm việc với tư cách là trợ lý chăm sóc cá nhân cho một cô gái trẻ bị bại não. Sau đó, cô trở thành y tá riêng của cô gái. “Tôi lại là một y tá, điều đó thật tuyệt”, Kelly cho biết. “Tôi có thể dắt những chú chó yêu thích đi dạo. Nhưng thật khó để gặp gỡ những người không biết tôi bị đột quỵ, bởi tôi bị khuyết tật. Tôi gặp khó khăn về ngôn ngữ nên rất lo lắng. Thật khó để nói chuyện với người lạ. Tôi không biết nữa. Nhưng tôi đang trở nên tốt hơn”.

Kelly cũng tham gia liệu pháp âm nhạc, câu lạc bộ sách để giúp cải thiện kỹ năng nói và đọc. Bất chấp những khó khăn của cuộc sống sau đột quỵ, Kelly hiện cố gắng “sống hết mình”. Năm ngoái, cô lại chuyển ra ở riêng. Kelly cũng khuyến khích những người khác hiểu các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và triệu chứng của chúng.

“Đột quỵ không phân biệt bất kỳ ai. Nếu tôi có thể bị đột quỵ thì bạn cũng vậy”, Kelly nói. “Nếu bạn thấy ai đó có dấu hiệu đột quỵ, mặt rũ xuống, yếu tay, nói khó, đã đến lúc gọi 911 vì càng để lâu sẽ càng ảnh hưởng đến não. Không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra khi trở thành một người sống sót sau cơn đột quỵ… Thật khó khăn và tôi không muốn bất kỳ ai khác trải qua những gì tôi đã gặp phải”.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link