Trong nghiên cứu, thiền cũng hiệu quả như việc uống thuốc chống trầm cảm để điều trị chứng rối loạn lo âu.

Theo Insider, một nghiên cứu mới trên hơn 200 người trưởng thành cho thấy thiền định hàng ngày cũng có hiệu quả trong việc kiềm chế lo lắng như thuốc chống trầm cảm Lexapro (escitalopram).

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry hôm 9/11, được xây dựng dựa trên nhiều năm nghiên cứu cho thấy chánh niệm và thư giãn có thể giúp điều trị chứng rối loạn lo âu.

“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng để các bác sĩ lâm sàng, công ty bảo hiểm và hệ thống chăm sóc sức khỏe khuyến nghị giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) như một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn lo âu”, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Elizabeth Hoge, người chỉ đạo chương trình nghiên cứu rối loạn lo âu tại Đại học Georgetown, cho biết trong một thông cáo.

Tương tự những người uống thuốc hàng ngày

Trong quá trình nghiên cứu kéo dài hai tháng, hơn 100 người tham gia mắc chứng rối loạn lo âu đã được đào tạo về các kỹ thuật MBSR bao gồm nhận biết hơi thở, xem xét cơ thể và chuyển động tâm trí. Họ được hướng dẫn thiền ở nhà 45 phút mỗi ngày, tham gia lớp học giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm 1 tuần/lần và cũng tham gia khóa tu cuối tuần kéo dài một ngày trong suốt thời gian nghiên cứu.

Rất ít bệnh nhân sử dụng bất kỳ loại thuốc chống lo âu nào khi cuộc thử nghiệm bắt đầu, mặc dù một số người đã liên tục dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp (trazodone, benzodiazopenes) trước đó.

Hơn 100 người trong một nhóm khác cũng bị rối loạn lo âu, đã dùng một loại thuốc SSRI mới được kê đơn (escitalopram) 1 ngày/lần, trong tám tuần.

Việc thiền có lợi hơn cho sức khỏe vì thuốc chống trầm cảm chứa một vài tác dụng phụ. Ảnh: CNN.

Khi bắt đầu và kết thúc thử nghiệm, tất cả người tham gia được đánh giá bằng cách sử dụng cùng một thang đo mức độ lo lắng thường được sử dụng. Cả người tập thiền và bệnh nhân dùng thuốc đều giảm đáng kể mức độ lo lắng của họ, khoảng 30%.

Olga Cannistraro, người đã tham gia một nghiên cứu thiền trước đó do tiến sĩ Elizabeth Hoge dẫn đầu, cho biết: “Một khi bạn nhận thức được phản ứng lo lắng, bạn có thể lựa chọn cách đối phó với nó. Nó không giống như một phương pháp chữa bệnh bằng phép thuật, nhưng đó là một kiểu rèn luyện suốt đời. Thay vì phát triển sự lo lắng, nó đã đi theo hướng khác và tôi rất biết ơn vì điều đó”. Đối tượng tham gia chủ yếu là phụ nữ (75% là nữ), chủ yếu là giới trẻ (độ tuổi trung bình là 33 tuổi), “có trình độ học vấn tương đối cao”.

Những người bị rối loạn lưỡng cực, OCD, biếng ăn, ăn vô độ, rối loạn tâm thần, PTSD, rối loạn sử dụng chất kích thích hoặc có nguy cơ tự tử bị loại khỏi tham gia, vì thử nghiệm này được thiết kế để nghiên cứu chánh niệm như một loại can thiệp đầu tiên cho rối loạn lo âu.

Thuốc chống lo âu có nhiều tác dụng phụ

Những người dùng thuốc trong quá trình nghiên cứu phải chịu nhiều tác dụng phụ của quá trình điều trị hơn những người ngồi thiền. Những người dùng SSRI bị khó ngủ, buồn nôn, đau đầu, giảm ham muốn tình dục và chóng mặt.

Vấn đề duy nhất liên quan đến điều trị mà mọi người phàn nàn trong nhóm thiền là sự lo lắng gia tăng (11% bệnh nhân gặp vấn đề này).

Mặc dù thuốc có nhiều tác dụng phụ hơn, những người trong nghiên cứu vẫn tiếp tục sử dụng thuốc sau đó. Sáu tháng sau khi nghiên cứu kết thúc, các nhà nghiên cứu phát hiện ra khoảng một nửa số người thuộc nhóm nghiên cứu dùng thuốc vẫn tự nguyện dùng thuốc của họ, trong khi chỉ có 28% những người tập thiền duy trì việc luyện tập tại nhà thường xuyên, ít nhất 4 lần/tuần.

“Điều quan trọng cần lưu ý là dù thiền chánh niệm có tác dụng, không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để hoàn thành tốt tất cả buổi học cần thiết và thực hành thường xuyên tại nhà để nâng cao hiệu quả”, tiến sĩ Elizabeth Hoge nói.

Theo Hoàng Anh (zing) – Ảnh: T.H