Nghiên cứu mới chỉ ra người thường xuyên bị trầm cảm có thể duy trì lối sống không lành mạnh, từ đó làm suy yếu sức khỏe tim mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Người trong trạng thái trầm cảm có xu hướng bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều, khó ngủ, hút thuốc và không tập thể dục. Ảnh: Pexels.
Theo Medical News Today, nghiên cứu mới trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết bệnh trầm cảm và bệnh tim mạch hay sức khỏe tim mạch kém có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 500.000 người ở độ tuổi 18-49, trong đó, 1/5 người tham gia mắc bệnh trầm cảm.
Kết quả chỉ ra người tham gia với sức khỏe tinh thần kém có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 1,5 lần so với người khác. Trong vòng 30 ngày, họ gặp các vấn đề về tinh thần từ một đến 13 ngày.
Đối với người tham gia gặp tình trạng sức khỏe tinh thần kém trong 14-30 ngày, nguy cơ mắc bệnh tim mạch thậm chí còn cao hơn gấp 2,3 lần so với người không mắc vấn đề này.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa trầm cảm và các vấn đề tim mạch không bị ảnh hưởng bởi giới tính hoặc nơi sống (thành thị hay nông thôn).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 5% dân số thế giới vào năm 2017, ước tính 264 triệu người, bị ảnh hưởng bởi trầm cảm.
Lý do có mối liên hệ giữa trầm cảm với bệnh tim
“Ở trong trạng thái trầm cảm hoặc cảm thấy xuống tinh thần có thể khiến một người bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều thức ăn, khó ngủ, hút thuốc hoặc không muốn tập thể dục. Và đây đều là các yếu tố nguy cơ dẫn đến sức khỏe tim mạch kém và bệnh tim mạch”, tiến sĩ Yaa A. Kwapong, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các tác giả lưu ý nghiên cứu không xác định được liệu trầm cảm gây ra vấn đề về tim hay ngược lại. Và có khả năng cả hai đều đúng.
Tiến sĩ Kwapong chia sẻ trong nghiên cứu, người tham gia được xem là có sức khỏe tim dưới mức tối ưu nếu mắc 2 hoặc nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, hút thuốc, béo phì, cholesterol cao, không tập thể dục hay không ăn đủ trái cây và rau quả.
Vấn đề không nằm ở chúng ta có bao nhiêu căng thẳng mà là cách nó ảnh hưởng đến chúng ta. Ảnh: Pexels.
Ngoài ra, tiến sĩ Kwapong cho biết trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp hơn đến sức khỏe tim mạch. “Về mặt sinh lý, trầm cảm hoặc rối loạn tâm trạng làm tăng hormone gây căng thẳng, viêm nhiễm cũng như ảnh hưởng đến cân bằng nội sinh glucose và lipid, theo thời gian có thể dẫn đến bệnh tim mạch”, vị chuyên gia nói.
Tiến sĩ Yu-Ming Ni, bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Y tế Orange Coast, Fountain Valley, California, người không tham gia vào nghiên cứu, đưa ra ví dụ về tác động sinh lý của trầm cảm đối với tim.
Ông mô tả “hội chứng trái tim tan vỡ” là tình trạng xảy ra sau chấn thương nặng và hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng này có thể được điều trị thành công.
Cơ chế của hội chứng vẫn chưa rõ ràng nhưng tiến sĩ Ni lưu ý sự gia tăng hormone trong hệ thống thần kinh giao cảm có thể xảy ra khi bị dồn nén cảm xúc nghiêm trọng. Ông cũng nghi ngờ điều này có liên quan đến sự gia tăng mức độ cortisol.
Cách phòng ngừa
Đối với người có nguy cơ mắc sức khỏe tim mạch kém và dễ bị trầm cảm, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự trợ giúp để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Tiến sĩ Kwapong cho biết: “Nghiên cứu này làm nổi bật mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần và bệnh tim mạch, đồng thời nó bổ sung thêm tài liệu về tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý hay tinh thần trong việc thúc đẩy sức khỏe tim mạch”.
Tiến sĩ Ni gợi ý mỗi người có thể lập ra danh sách những căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm trong cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở việc chúng ta có bao nhiêu căng thẳng mà là cách nó ảnh hưởng đến chúng ta.
Ngoài ra, ông nói thêm dù có thích hay không, mọi người đôi khi đã quen với các tác nhân gây căng thẳng này. Do đó, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh và nhờ sự hỗ trợ tinh thần nếu cần thiết. Việc báo cáo cho bác sĩ tim mạch biết về các vấn đề cảm xúc cũng hữu ích.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H