Theo số liệu của Viện Nghiên cứu da quốc tế (Mỹ), có khoảng 40 đến 55% người trưởng thành nước này tuổi từ 20 đến 40 bị mụn trứng cá kéo dài. Nhiều người hay nghĩ rằng mụn trứng cá là do chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phần lớn các trường hợp là không phải như vậy, theo Evening Standard.
Nếu mụn trứng cá xuất hiện chủ yếu ở quanh cằm và má, hoặc xuất hiện thành từng cụm với tuần suất 1 đến 2 lần/tháng thì vấn đề rất có thể do hoóc môn chứ không phải chế độ dinh dưỡng. Điều này đặc biệt có khả năng cao với người tuổi từ 20 đến 30, tiến sĩ Sandra Lee, một trong những chuyên gia hàng đầu về mụn trứng cá ở Mỹ, cho biết.
Hoóc môn cơ thể biến động sẽ làm mụn trứng cá xuất hiện. Phụ nữ khi đến chu kỳ kinh nguyệt rất dễ bị tình trạng này. Ngoài kinh nguyệt, một số trường hợp sau cũng khiến mụn xuất hiện như rụng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, mãn kinh và khi mang thai, bà Sandra nói thêm.
Ngoài ra, tình trạng stress liên tục kích thích hoóc môn gây căng thẳng cortisol tăng cao cũng khiến mụn trứng cá xuất hiện.
Một yếu tố quan trọng liên quan đến mụn trứng cá là tuổi tác. Ở tuổi dậy thì, mụn trứng cá thường sẽ xuất hiện ở phần trán, mũi và cằm. Trong khi đó, mụn trứng cá ở người trưởng thành thường xuất hiện ở 1/3 dưới cùng của khuôn mặt gồm phần má dưới, quanh hàm và cằm, theo Evening Standard.
Người bị mụn trứng cá nên rửa mặt thường xuyên, tránh chà xát mạnh lên mụn. Để giảm mụn đạt hiệu quả tối đa, mọi người cần đảm bảo những thứ thường tiếp xúc với da mặt như cọ trang điểm, khăn tắm, ga trải giường và tay phải sạch sẽ. Điều này sẽ giảm thiểu các kích thích từ bên ngoài có thể khiến mụn sưng to hơn, tiến sĩ Lee khuyến cáo.
Nếu đã dùng nhiều cách mà mụn trứng cá vẫn còn và kéo dài thì hãy tìm đến bác sĩ da liễu. Họ có thể kê toa để điều trị mụn hiệu quả hơn. Vấn đề cân bằng hoóc môn ở mỗi người mỗi khác nên việc điều trị mụn trứng cá do mất cân bằng hoóc môn sẽ mất thời gian vì bác sĩ phải xác định đúng nguyên nhân tiềm ẩn đang gây mụn, tiến sĩ Lee nói thêm.