Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Đặc điểm của bệnh là tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày (đau dạ dày, đau bao tử), viêm hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ hoặc loét bờ cong nhỏ, loét hang vị…
Ung thư dạ dày là tình trạng tế bào Ung thư phát triển trong dạ dày. Đây là một bệnh lý hết sức nguy hiểm ở đường tiêu hóa, là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong các bệnh Ung thư (đứng sau Ung thư phổi).
Cùng là bệnh liên quan tới dạ dày nhưng viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày lại có những triệu chứng khá tương đồng khiến nhiều người nhầm lẫn. Dưới dây là những dấu hiệu giúp bạn phân biệt viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày ngay tại nhà.
Đau bụng
Cả hai bệnh đều có triệu chứng đau bụng. Tuy nhiên, người viêm loét dạ dày thường đau có quy luật. Cơn đau bắt đầu do ăn quá nhiều chất, ăn quá no và có thể xuất hiện sau khi ăn khoảng nửa tiếng đến hai tiếng, đau đớn kéo dài đến trước bữa ăn tiếp theo thì biến mất.
Trong khi đó, người mắc ung thư dạ dày có triệu chứng đau xuất hiện nhiều khi yên tĩnh, mất đi khi hoạt động, thần kinh phân tán. Ở giai đoạn bệnh phát triển hơn, người bệnh có thể đau bụng dữ dội, thời gian đau lâu nhưng uống thuốc không có xu hướng thuyên giảm.
Khối u
Một số bệnh nhân viêm loét dạ dày có thể sờ thấy bọc u trong ổ dạ dày, biểu hiện của nó là cứng, bề mặt không trơn nhẵn, ấn vào có cảm giác đau. Theo sự tăng lên của kích thước khối u, cảm giác buồn nôn cũng ngày càng nghiêm trọng, trường hợp này đa số bệnh là đã chuyển ung thư. Tốt nhất bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị sớm.
Chán ăn
Đối với bệnh dạ dày, kém ăn là một dấu hiệu mang tính chất chủ quan của người bệnh, không có dấu hiệu đặc biệt nào về bệnh lý ở bất kỳ cơ quan nào. Ngược lại, người mắc ung thư dạ dày xuất hiện dấu hiệu kém ăn đi kèm với biểu hiện khó nuốt.
Buồn nôn
Cảm giác buồn nôn xuất hiện nhiều khi người bị viêm loét dạ dày đang tiêu hóa thức ăn. Sau khi nôn mửa, người bệnh sẽ cảm thấy giảm đau. Triệu chứng này có thể gặp ở thời kỳ cuối cùng của bệnh loét dạ dày do đóng sẹo làm hẹp môn vị, thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không qua được môn vị để xuống tá tràng. Trong các chất nôn ra có thể thấy cả thức ăn bệnh nhân đã ăn vào từ hôm trước. Nhưng cũng có thể thấy các chất nôn có dính lẫn màu đen sẫm giống như bã cà phê. Còn đối với ung thư dạ dày, cảm giác buồn nôn và ói mửa không mất đi mà ngày càng nghiêm trọng, thậm chí có vệt máu trong chất nôn.
Đi ngoài phân đen
Thông thường, bệnh nhân viêm loét dạ dày đi ngoài phân đen khi ăn nhiều tiết động vật như tiết lợn, dê, gà, đôi khi cũng có thể gặp hiện tượng này sau khi uống một số loại thuốc. Khác với viêm loét, ung thư dạ dày xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen không giải thích được nguyên nhân, hoặc kiểm tra trong phân có lẫn máu.