Người không dễ bị ung thư ‘ghé thăm’ là người kiên trì tập thể dục trong thời gian dài, biết kiểm soát ăn uống, không hút thuốc và uống rượu bia.

Nhắc đến ung thư, nhiều người có thể thắc mắc tại sao một người rất trẻ có thể đột ngột qua đời vì căn bệnh này, trong khi những người già ở độ tuổi 80 và 90 không có bất kỳ dấu vết ung thư nào trong cơ thể.

Trên thực tế, tỷ lệ mắc bệnh ung thư có liên quan đến nhiều yếu tố, chẳng hạn như di truyền, chế độ ăn uống, tuổi tác, thức khuya, béo phì, lười vận động, hút thuốc, nghiện rượu, môi trường… Nhìn chung sau khi sinh ra, ai cũng đứng trên một vạch xuất phát như nhau, khả năng mắc bệnh ung thư cũng như nhau. Tuy nhiên do thời gian mắc bệnh, do lối sống và môi trường sống của mỗi người khác nhau nên có người dù trẻ đã bị bệnh ung thư, nhưng có người tuổi đã cao vẫn rất khỏe mạnh.

Qua quá trình quan sát và nghiên cứu, các chuyên gia rút ra những người không dễ bị ung thư ‘ghé thăm’ thường có 4 đặc điểm sau:

1. Kiên trì tập thể dục trong thời gian dài

Thể dục giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm sự phát triển tế bào ung thư trong cơ thể.
Thể dục giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm sự phát triển tế bào ung thư trong cơ thể.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học và Khoa học trong Thể thao và Tập luyện hồi tháng 9/2021 cho thấy việc tập thể dục sẽ giải phóng “vũ khí bí mật” để làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và tạo ra “môi trường ức chế ung thư” trong cơ thể.

Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế hồi tháng 2/2022 cho thấy những người kiên trì tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải vài lần một tuần trong thời gian dài thì các phân tử chống ung thư trong cơ thể họ sẽ được giải phóng, chẳng hạn như chất miễn dịch interleukin-6. Những phân tử này tác động lên các tế bào bất thường, thúc đẩy quá trình sửa chữa ADN và làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Người càng yêu thích thể thao, càng kiên trì tập luyện và hình thành thói quen tập luyện trong thời gian dài, sẽ khiến hệ miễn dịch được cải thiện, từ đó tránh xa được căn bệnh ung thư.

2. Biết kiểm soát chế độ ăn uống

Thức ăn là thứ quan trọng nhất với con người. Hầu hết mọi người thấy khó có thể cưỡng lại sự cám dỗ của những món ăn ngon. Với mức sống được cải thiện hiện nay, ngày càng nhiều người mắc chứng béo phì và không kiểm soát được cái miệng của mình.

Một nghiên cứu của Anh công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet đã chỉ ra rằng có mối tương quan giữa chỉ số khối cơ thể với 17 loại ung thư khác nhau. Theo đó, cứ tăng 5kg/m2 chỉ số khối cơ thể thì xác suất mắc ung thư tử cung, ung thư túi mật, ung thư thận, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp và ung thư hạch sẽ tăng lên đáng kể.

Theo thống kê, cứ mỗi 1kg/m2 chỉ số khối cơ thể tăng lên thì ở Anh sẽ có thêm 3.790 bệnh nhân ung thư mới mỗi năm.

Ăn quá nhiều một số loại thực phẩm như đồ chiên rán , thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu động vật… sẽ trực tiếp gây béo phì. Trong khi đó, một số thực phẩm có thể làm tăng hàm lượng chất gây ung thư do thay đổi cách chế biến, chẳng hạn như thực phẩm ngâm chua, thực phẩm hun khói và thực phẩm nướng.

Một số thực phẩm đã bị biến chất do bảo quản không đúng cách như đồ bị mốc hay các loại thực phẩm bị ô nhiễm do môi trường, chẳng hạn như nước thải làm ô nhiễm đất khiến cây lương thực hoặc rau trồng trên đất chứa quá nhiều chất gây hại, cũng có thể khiến bạn mắc ung thư.

3. Không hút thuốc

Một bài báo đăng trên Tạp chí Ung thư Anh cho thấy nếu một người chưa bao giờ hút thuốc, tỷ lệ mắc ung thư phổi trước 75 tuổi chỉ là 0,3%, nhưng nếu anh ta hút thuốc, xác suất sẽ tăng lên 16%. Nếu mỗi ngày anh ta hút quá 5 điếu thuốc thì tỷ lệ ung thư sẽ tăng lên 25%.

Tác hại lớn nhất của việc hút thuốc là ung thư phổi. Điều này là do thuốc lá giải phóng nhiều chất gây ung thư khi chúng cháy, bao gồm nicotin, hắc ín, benzopyrene…

Trung Quốc hiện có khoảng 350 triệu người và là quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Trong số những người trưởng thành ở quốc gia này, tỷ lệ hút thuốc chiếm khoảng 28%. Ở độ tuổi vị thành niên (13-15 tuổi), khoảng 11% trẻ vị thành niên hút thuốc.

4. Tránh xa rượu bia

Năm 2021, một nghiên cứu được công bố trên The Lancet Oncology đã chỉ ra rằng uống một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Số liệu nghiên cứu cho thấy năm 2020, thế giới ước tính có khoảng 741.300 ca ung thư mới có liên quan mật thiết đến việc uống rượu bia, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn, số ca mắc mới cao tới 568.700 ca, chiếm 76,7%. Từ góc độ ảnh hưởng khu vực, hệ số phân bố ung thư do rượu ở Đông Á là cao nhất, trung bình là 5,7%, tiếp theo là Trung và Đông Âu, trung bình là 5,6%. Trong khi đó, hệ số phân bố ung thư do rượu ở Bắc Phi và Tây Á thấp nhất, chỉ 0,3% và 0,7%.

Ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư ruột kết, trực tràng, gan và ung thư vú đều liên quan đến uống rượu. Nguyên nhân là do acetaldehyde, một chất chuyển hóa trung gian của rượu, có thể gây tổn thương gene, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc ung thư cao.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link