Nauru từ quốc gia giàu nhất thế giới những năm 70, đang là quốc gia nghèo nhất thế giới đối mặt với những bài toán hóc búa cùng tỷ lệ dân số béo phì cao.

Béo phì, đáo tháo đường và chăm sóc sức khỏe trẻ em… khiến bức tranh sức khỏe ở Nauru rơi vào bế tắc. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Có thể bạn chưa từng nghe đến cái tên Nauru, nhưng quốc gia này có một lịch sử phát triển khá thú vị và kỳ lạ: Từng trên đỉnh cao giàu có và rồi trở nên nghèo nàn, phải ăn đồ rẻ tiền khiến đa số người dân rơi bệnh tật.

Giàu lên và nghèo đi nhờ… phân chim

Nauru là quốc đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương. Từ đầu thế kỷ 20, tài nguyên phosphat khổng lồ từ phân chim của Nauru được nhà thăm dò Albert Fuller Ellis phát hiện, lúc này trữ lượng phosphat chiếm 4/5 diện tích lãnh thổ Nauru.

Tuy nhiên, sau khi giành được độc lập vào năm 1968, khoảng 80% bề mặt hòn đảo đã được khai thác, để lại một vùng đất hoang toàn đá vôi lởm chởm và không còn đất đai màu mỡ, chỉ có dải đất ven biển quanh đảo là có thể sinh sống được.

Với trữ lượng phosphat còn lại, từ những năm 1970, chính phủ Nauru mới có thể tự kiếm tiền bằng cách xuất khẩu phosphat. Nền kinh tế phân chim của đảo quốc này đạt đỉnh vào năm 1975. Khi đó, GDP bình quân của người dân Nauru ước tính rơi vào khoảng 50.000 USD, chỉ xếp sau Arab Saudi.

quoc gia beo phi nhat anh 1
Bệnh nhân tiểu đường được điều trị bàn chân tại Trung tâm Y tế Công cộng Nauru. Ảnh: NPR/Matthieu Paley/Corbis.

Nhưng chính phủ Nauru lúc bấy giờ đã thất bại trong việc đầu tư vào các lĩnh vực khác có thể mang lại nguồn thu khác quốc gia. Đến những năm 90, khi trữ lượng phosphat trên đảo cạn kiệt. Đây cũng là lúc Nauru rơi vào khủng hoảng, tài chính của đất nước lao dốc với các khoản nợ quốc gia ngày càng tăng cao.

Đến những năm 2000, trong nỗ lực khai thác triệt để nguồn phosphat ít ỏi còn lại, Nauru lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Từ quốc gia giàu lên nhờ phân chim, cũng vì cạn kiệt phân chim mà Nauru vỡ nợ rồi lại vay nợ. Cuối cùng, họ bán bất động sản để trả nợ, nhưng đây chưa phải là điều bi kịch nhất.

Béo phì, đái tháo đường và…

Hoạt động khai thác phosphat triệt để đã dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, thay đổi về cảnh quan và thủy văn địa phương cũng ảnh hưởng đến thảm thực vật. Các tác động này đã ngăn cản Nauru trong việc phát triển các ngành du lịch và nông nghiệp.

Không có nền nông nghiệp chính thức và không có nguồn nước ngọt an toàn do tác động của suy thoái môi trường, cùng vị trí xa xôi của hòn đảo khiến cho việc vận chuyển thực phẩm tươi sống đến đảo quốc Thái Bình Dương này không chỉ khó khăn, mà còn tốn kém.

Với tốc độ giàu lên nhanh chóng, Nauru trong thế kỷ 20 đã tận hưởng cuộc sống xa hoa, xây dựng khách sạn, sân golf và cả một hãng hàng không chuyên nhập khẩu thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn từ phương Tây để giải quyết vấn đề thực phẩm cho người dân. Do quá phụ thuộc vào chế độ ăn không lành mạnh, thiếu trái cây và rau quả tươi đã góp phần làm gia tăng tình trạng béo phì và các vấn đề sức khỏe khác của người dân Nauru.

NPR nhận định hòn đảo này thực sự là một bức tranh cực kỳ u tối về sức khỏe. Từ uống rượu và sử dụng thuốc lá tràn lan đến cắt cụt chi do bệnh tiểu đường. Các món ăn chủ yếu trong chế độ ăn kiêng của người Nauru là gạo trắng, mì ăn liền, soda và bất cứ thứ gì đựng trong hộp thiếc.

Financial Express trích lời nhà nhân chủng học Amy McLennan từ Đại học Oxford (Mỹ) rằng trong 11 tháng sinh sống tại Nauru, việc tìm thấy dù chỉ một loại rau cũng là điều khó khăn với cô. Theo số liệu từ tổ chức World Population Review, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành tại Nauru năm 2023 cao nhất thế giới với con số 61% và tiểu đường type 2 đứng thứ 6 thế giới với tỷ lệ 23% năm 2021, theo thống kê từ Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tỷ lệ tử vong trẻ em ở Nauru đã giảm trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, nước này vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là 27% trẻ em ở Nauru bị nhẹ cân, tỷ lệ lưu hành cao nhất trong toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Trong khi đó, 44% thanh thiếu niên trong độ tuổi 13-15 lại rơi vào cảnh thừa cân, 17% bị béo phì. Sức khỏe tâm thần vị thành niên là một mối quan tâm đáng kể ở Nauru.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy khoảng 94,5% dân số Nauru bị thừa cân. Quốc gia này cũng là một trong những nước có tỷ lệ bệnh tiểu đường cao nhất thế giới với hơn 40% dân số mắc bệnh.

Trong những năm gần đây, chính phủ Nauru đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào khai thác phosphat. Nước này đã xây dựng các cơ sở du lịch mới và cải thiện cơ sở hạ tầng hiện tại để thúc đẩy ngành du lịch, bất chấp những hạn chế do vị trí xa xôi của hòn đảo đặt ra. Chính phủ Nauru được biết là có kế hoạch trồng rừng, cải tạo môi trường và cải tạo đất, cũng như nỗ lực khôi phục các lưu vực sông trên đất nước bị ảnh hưởng bởi việc khai thác phosphat.

Theo Tuấn Trương (znews) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link