Tật “não cá vàng” ở nhiều người trẻ hiện nay có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân rất phổ biến như mệt mỏi, stress hay áp lực cuộc sống.
Nhiều đêm trằn trọc, khó ngủ, áp lực công việc khiến G.T. (25 tuổi, TP.HCM) lo lắng đến mức không thể chợp mắt. Lướt điện thoại đến gần sáng, T. mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Đến sáng, nữ kế toán đờ dẫn, rủ rượi đến công ty. Không chỉ riêng trường hợp của T., khá nhiều người trẻ đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống, dẫn đến stress, hay suy nghĩ khiến giấc ngủ gián đoạn, trí nhớ cũng bị ảnh hưởng.
Gen Z nhưng trí nhớ như… bà cụ
Lo lắng sẽ gặp rắc rối khi làm việc với con số, T. quyết định đến khám ở khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Làm việc trong ngành kế toán, cô gái phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ dịp cuối năm. Dù chưa gây ra sai sót trong công việc, cô liên tục bị sếp nhắc nhở dẫn đến mất ngủ, căng thẳng (stress) trong một tháng gần đây.
Theo trao đổi, bác sĩ Đào Duy Khoa, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong lúc thăm khám, cô gái nhận thức rõ vấn đề của mình, có thể kể chi tiết bệnh lý, vấn đề gặp phải.
“Bệnh nhân này không bị sa sút trí tuệ, chỉ đơn giản là hay quên. Vấn đề của cô ấy không nằm ở bệnh lý mà nằm ở nguyên nhân khác”, bác sĩ Khoa nhận định.
Bên cạnh được thăm khám, hỏi han bệnh lý, nữ bệnh nhân sau đó được kiểm tra hàng loạt đánh giá bao gồm xét nghiệm tim gan, chức năng tuyến giáp, đánh giá khả năng ghi nhớ, vẽ, phỏng vấn, viết.
“Đây đều là những yếu tố cần thiết để bác sĩ đánh giá chức năng cao cấp của vỏ não”, bác sĩ Khoa nói và cho biết thêm thang điểm của cô nhân viên văn phòng rất tốt, được kết luận không bị sa sút trí tuệ.
Sau khi hỏi han về cuộc sống, công việc, chất lượng giấc ngủ của cô gái, bác sĩ chỉ định thuốc uống cho cô. Song song với đó, nữ kế toán cũng được khuyên tự sắp xếp công việc, cân đối thời gian làm việc với sinh hoạt, điều chỉnh tâm trạng và giờ giấc sinh hoạt.
Theo bác sĩ Khoa, khoa Nội thần kinh thường xuyên tiếp nhận tư vấn, điều trị cho những trường hợp tương tự. Đa số họ đều là người có độ tuổi trẻ, từ 25 đến 35, hay gặp căng thẳng và chịu áp lực lớn từ công việc, gia đình và kinh tế.
Càng stress, càng dễ nhớ nhớ quên quên
Dựa vào nguyên nhân gây ra chứng hay quên, bác sĩ Khoa nhận định những người này có thể chia ra theo 2 kiểu chính.
Nhóm 1 là những người có bệnh lý, dẫn đến không có khả năng nhớ. Người thuộc nhóm này có thể mắc các bệnh lý nội khoa, nội tiết, suy thượng thận hoặc các bệnh lý tổn thương vùng não bộ, đột quỵ vùng thái dương, viêm não, sa sút trí tuệ.
Nhóm 2 là những người không có bệnh lý, cơ thể khỏe mạnh, tập trung tốt, nội khoa không có vấn đề gì nhưng thường xuyên gặp căng thẳng, áp lực, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ.
“Trong trường hợp này, trí nhớ là biểu hiện bên ngoài, cho thấy sức khỏe tinh thần của họ không ổn định”, bác sĩ Khoa nhấn mạnh và cho biết thêm số người thuộc nhóm này rất nhiều, đặc biệt người trẻ. Theo bác sĩ, càng stress, mọi người càng dễ hay quên. Đối với nhóm này, để nhớ được chỉ có cách rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần tốt.
Nhiều người hay quên thường tìm cách bổ sung dinh dưỡng, ăn các thực phẩm bổ não để cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân hay quên vì lo âu trầm cảm, vấn đề không nằm ở dinh dưỡng, mà yếu tố chính là nhận ra vấn đề của bản thân, từ đó điều chỉnh lại nhịp sinh học, bác sĩ Khoa phân tích.
Theo bác sĩ, rau củ quả, món ăn… chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho trí não, chứ không phải ăn vào sẽ giúp nhớ lâu như mọi người vẫn thường nghĩ.
Theo Tiểu Huệ – Linh Thùy (znews) – Ảnh: T.H