Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây ra các biến đổi hình thái cấu trúc xương, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống.

Đau lưng có thể là dấu hiệu của thoái hóa cột sống. Ảnh: sasun_bughdaryan.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy có 70% dân số toàn cầu từng bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của thoái hóa cột sống thắt lưng – bệnh lý phổ biến trong cộng đồng.

Trên thực tế, đa số người mắc bệnh lý này đều nằm trong độ tuổi từ 35 trở lên. Tại Việt Nam, nhóm bệnh nhân bị thoái hóa cột sống thắt lưng chủ yếu trong nhóm 60-69 tuổi với tỷ lệ lên tới 89%. Tuy nhiên, đáng chú ý là nhóm tuổi từ 25 đến 45 cũng chiếm đến 30%. Đây là độ tuổi lao động chính của một người với thể trạng tốt nhất.

Dấu hiệu cột sống thắt lưng bị thoái hóa

Theo TS Nguyễn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh thoái hóa cột sống bao gồm thoái hóa đĩa đệm và gai cột sống. Đây là bệnh viêm xương khớp cột sống, gây ra cảm giác đau nhức, mọc gai tại đốt sống, viêm khớp.

Thoái hóa cột sống thắt lưng biểu hiện qua 5 đốt sống từ C1-C5 trở xuống. Tất cả đều là bệnh thoái hóa cột sống mạn tính liên quan trực tiếp đến quá trình lão hóa xương của cơ thể.

“Về bản chất, đây là biến đổi hình thái thông qua sự thoái hóa ở các mỏm gai sau, đĩa đệm và thân đốt sống, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động do xương phải chịu tải trọng lớn trong thời gian liên tục”, vị chuyên gia giải thích.

Căn bệnh phổ biến này xuất hiện khi đĩa đệm và khớp bị thoái hóa. Xương phát triển trên đốt cột sống tạo nên cảm giác đau khi vận động. Sự thay đổi còn ảnh hưởng trực tiếp đến các dây thần kinh tại khu vực bị thoái hóa.

Hình ảnh mô phỏng cột sống lưng bị thoái hóa. Ảnh: BVCC.

TS Vũ mô tả: “Các ngạnh khớp xương nhô ra ma sát vào cột sống tạo ra cơn đau. Triệu chứng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động và một số chức năng khác của cơ thể”.

Thông thường, mỗi người sẽ có triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng không tạo ra vấn đề quá nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến tính mạng.

Nghiên cứu cho thấy thoái hóa cột sống chủ yếu do đĩa đệm và sụn khớp chịu áp lực thường xuyên trong thời gian dài. Hậu quả là phần xương dưới sụn và sụn đều bị tổn thương, suy giảm hoặc mất tính đàn hồi đĩa đệm. Dây chằng bị xơ cứng, từ đó hình thành triệu chứng bệnh.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của sự suy giảm này vẫn chưa được làm rõ. Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thường do có một hoặc nhiều yếu tố bao gồm:

  • Tuổi: Các triệu chứng đầu tiên của bệnh thường xuất hiện lần đầu trong khoảng từ 20 đến 50 tuổi, tùy tình trạng sức khỏe của mỗi người.
  • Giới tính: Nghiên cứu cho thấy trong những người độ tuổi từ 45 trở xuống, nam giới bị viêm xương khớp nhiều hơn. Trong khi đó, từ 45 tuổi trở lên, phụ nữ lại có tỷ lệ mắc cao hơn.
  • Người bị thừa cân, béo phì: Tạo ra gánh nặng cho cột sống. Lúc này, cột sống sẽ phải chịu tải trọng lớn trong thời gian dài và dẫn đến thoái hóa nhanh hơn.
  • Người từng bị chấn thương xương khớp.
  • Người bị mắc bệnh thoái hóa cột sống do di truyền: Theo nghiên cứu, tỷ lệ thoái hóa cột sống ở người châu Á có xu hướng thấp hơn so với người châu Âu.
  • Người làm việc hoặc có hoạt động thể lực tác động mạnh đến các khớp xương.
  • Chế độ dinh dưỡng cũng có quan hệ trực tiếp đến việc hình thành thoái hóa cột sống lưng và cách điều trị: Ở những người có chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin, magie, canxi và các khoáng chất khác, cột sống sẽ dễ bị bào mòn hơn. Khả năng tái tạo xương khớp bị hạn chế làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống. Ngược lại, dinh dưỡng cung cấp đầy đủ sẽ giúp ổn định bệnh.

Về các dấu hiệu, TS Vũ cho hay bệnh thoái hóa cột sống lưng thường xuất hiện do tiến trình tự nhiên của cơ thể. Tùy thuộc vào nguyên nhân hình thành bệnh, triệu chứng có thể sẽ khác nhau.

“Đa số người bị thoái hóa cột sống do nguyên nhân tuổi tác sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào”, ông nói.

Ngược lại, một số người gặp các dấu hiệu thoái hóa cột sống lưng trong suốt một thời gian dài. Dấu hiệu sẽ xuất hiện liên tục, bất ngờ khi di chuyển đột ngột.

Vị chuyên gia mô tả: “Các triệu chứng có xu hướng tăng dần theo thời gian, những cơn đau nhẹ hoặc cứng khớp xảy ra khi không cử động hoặc hạn chế vận động, điển hình như khi ngồi quá nhiều hoặc vừa ngủ dậy”.

Bên cạnh đó người bệnh còn có thể xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Tình trạng yếu tay chân
  • Khả năng phối hợp giữa tay và chân kém
  • Xuất hiện những cơn co thắt cơ bắp
  • Đau cơ bắp
  • Đau đầu
  • Đi lại khó khăn do mất thăng bằng
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột

Nguy cơ và những ảnh hưởng

Thực tế, TS Nguyễn Vũ thông tin căn bệnh này không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, xương bị thoái hóa sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt. Cụ thể:

Trong sinh hoạt

Đa số người mắc bệnh thoái hóa cột sống lưng đều bị cứng khớp, sưng đau vùng khớp tạo cảm giác khó chịu trong sinh hoạt. Các cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh di chuyển đột ngột. Triệu chứng cứng khớp còn gây đau đớn khi cử động, hạn chế vận động, khó quay, cúi gập người hoặc đứng lên, ngồi xuống.

Nguy cơ liệt

Theo TS Vũ, bệnh thoái hóa cột sống lưng cần điều trị sớm. Nếu để chuyển sang các giai đoạn sau, tình trạng này có thể khiến xương chèn lên dây thần kinh. Dấu hiệu đầu tiên là tình trạng tê tay với thoái hóa cột sống vùng lưng hoặc tê chân với thoái hóa cột sống thắt lưng.

Lâu dần, dấu hiệu này sẽ trở nên nặng hơn và gây bại liệt. Người bệnh có thể sẽ mất khả năng lao động hoặc tàn phế.

“Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể chèn lên các dây thần kinh quan trọng và gây nguy hiểm tới tính mạng, tuy nhiên tỷ lệ này không cao”, ông nói.

Biến chứng thoát vị đĩa đệm

Thoái hóa cột sống lưng có thể biến chứng thành thoát vị đĩa đệm. Biến chứng xuất hiện ngay khi có một tác nhân đủ mạnh làm cho đĩa đệm bị chèn ép và thoát khỏi vị trí vốn có. Tác nhân đó có thể đơn giản là việc mang vác nặng, vận động quá sức, cúi gập người đột ngột…

Đĩa đệm thoát khỏi vị trí ban đầu sẽ chèn ép lên ống sống hoặc các dây thần kinh. Triệu chứng xuất hiện thường là các cơn đau, tê mỏi, khó tự động.

Ngoài ra thoát vị đĩa đệm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như rối loạn đại tiểu tiện, đau rễ thần kinh, teo cơ. Thậm chí, người bệnh có thể bị tàn phế.

Biến chứng một số bệnh khác

Thoái hóa cột sống lưng còn có thể gây biến chứng thành một số bệnh khác liên quan đến xương sống. Phổ biến nhất là gai cột sống, gù lưng, đau dây thần kinh tọa, biến dạng cuộc sống… Tất cả đều có ảnh hưởng đáng kể tới sinh hoạt và sức khỏe người bệnh.

Các phương pháp xử trí

Tùy theo tình trạng sức khỏe mà triệu chứng bệnh thoái hóa cột sống lưng mà cách điều trị sẽ khác nhau.

Phương pháp dùng thuốc giảm đau

Phương pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ trong trường hợp người bệnh xuất hiện đau mà không đáp ứng thuốc giảm đau.

  • Paracetamol đã được chứng minh có hiệu quả nhất định đối với những người bị chứng bệnh này từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra tổn thương gan.
  • Thuốc chống viêm không steroid bao gồm ibuprofen và naproxen natri sử dụng cho người bệnh có cơn đau nặng. Liều lượng sử dụng cần tuân theo hướng dẫn.
  • Thuốc tiêm như corticoid sẽ được tiêm vào khu vực quanh cột sống. Tuy nhiên, phương pháp này không đem đến lợi ích lâu dài.
  • Thuốc mỡ hoặc kem giảm đau bôi để xoa bóp tại khu vực cột sống lưng cũng có tác dụng hiệu quả trong việc giảm đau.

Phương pháp thay thế không dùng thuốc

Theo TS Vũ, trong thực tế, đa số bác sĩ sẽ khuyên người bệnh sử dụng một số phương pháp điều trị thay thế không dùng thuốc.

Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị thay thế khi bị thoái hóa cột sống thắt lưng. Ảnh minh họa: katherine_hanlon.

  • Massage: Mục đích nhằm dịch chuyển, tăng linh hoạt cơ, xương của con người. Các động tác phổ biến của massage là bấm chặt, xoa, vuốt, nhào nặn, đấm vỗ… Qua đó cảm giác đau đớn, tê cứng do bệnh sẽ được giảm bớt.
  • Châm cứu: Sử dụng thủ thuật chèn kết hợp với dùng châm (kim) để tác động vào huyệt trên cơ thể.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm nóng sẽ đưa khí nóng vào xua tan hàn khí trong cơ thể. Ngược lại chườm lạnh có tác dụng giảm sưng đau tức thời.
  • Phương pháp kích điện: Bác sĩ sẽ dùng thiết bị nhỏ có thể tạo ra xung điện ở mức cơ thể chấp nhận được. Các xung điện sẽ tác động vào khu vực bị tổn thương để giảm triệu chứng đau đớn.
  • Nắn chỉnh cột sống: Áp dụng với những người cột sống đã bị tổn thương như cong, gù, vẹo cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm thể nhẹ. Bác sĩ sẽ nắn chỉnh để hỗ trợ giảm đau cột sống, đưa cột sống về đúng vị trí.
  • Tắm suối khoáng: Giúp thải độc, thư giản để giảm mệt mỏi, căng thẳng.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp người bệnh bị thoái hóa cột sống lưng thể nặng đặc biệt là những biến chứng thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiền đình, biến dạng cột sống…
  • Phương pháp Đông y: Đông y cho rằng thoái hóa cột sống lưng sinh ra do hàn thấp, khí huyết tích tụ, phong nhiệt ứ trệ. Lâu ngày khiến cho khả năng lưu thông của khí huyết kém đi. Cơ thể cũng từ đó mà suy nhược do can thận, dương hư suy.

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link