Cầu thủ Erling Haaland dán kín miệng bằng băng dính để có giấc ngủ ngon nhưng điều này không phù hợp với tất cả mọi người.

Ảnh: GQ
Ảnh: GQ

Nói trên sóng podcast hồi cuối tháng 8, sao sân cỏ Erling Haaland cho biết: “Tôi nghĩ giấc ngủ là điều quan trọng nhất trên thế giới. Bạn nên cố gắng dán kín miệng lại vào ban đêm và khi tập luyện”. Theo anh, việc làm này tốt hơn cho giấc ngủ và hiệu suất làm việc. Erling Haaland là cầu thủ được đánh giá có phong độ cao nhất giải Ngoại hạng Anh hiện nay. Mùa trước, tiền đạo 23 tuổi ghi 52 bàn, góp công giúp Manchester City hoàn tất cú ăn ba bao gồm Cúp C1, Ngoại hạng Anh và Cúp FA.

Jeff Kahn – chuyên gia về giấc ngủ đang làm việc tại Rise Science – cho rằng Haaland đang muốn khuyến khích việc thở bằng mũi. Chuyên gia nói: “Lý thuyết đằng sau việc dán chặt băng dính vào miệng khi ngủ là nó có thể giúp bạn thở bằng mũi. Khi thở bằng miệng, bạn có nhiều khả năng bị khô miệng và cổ họng, dẫn đến ngáy, khô miệng và các vấn đề khác. Mặt khác, thở bằng mũi được cho là giúp bạn cải thiện lượng oxy đưa vào, có thể mang lại chất lượng giấc ngủ tốt hơn”.

Lợi hại của dán băng dính lên miệng lúc ngủ

Khi bạn không thể kiểm soát được việc thở bằng mũi hay miệng lúc ngủ, băng dính sẽ hữu ích.

Dẫu vậy, Kahn nói: “Những tuyên bố rằng việc dán kín miệng có thể cải thiện tiêu hóa, giảm bệnh nướu răng, giảm sương mù não và cải thiện khung hàm của bạn phần lớn chỉ là truyền miệng, thiếu bằng chứng đầy đủ để chứng minh”.

Các nhà nghiên cứu tại Harvard Health đồng ý với nhận định này. Theo họ, thở bằng mũi có chủ ý khi thức có thể mang lại nhiều lợi ích – bao gồm thở chậm, lọc chất gây dị ứng và giảm bớt lo lắng. Nhưng việc dán kín miệng khi ngủ có thể gây ra rủi ro, dẫn đến khó thở, gián đoạn giấc ngủ hoặc kích ứng da. Không có nghiên cứu nào ủng hộ biện pháp này, trong một số trường hợp nhất định, hành động này có thể làm giảm đáng kể nồng độ oxy của một người khi ngủ”.

Kahn cho biết thêm: “Thở bằng mũi thường được coi là lành mạnh hơn vì những lý do bao gồm quá trình oxy hóa và lọc không khí tốt hơn. Nhưng không có nghiên cứu toàn diện nào liên kết trực tiếp việc băng kín miệng với nhiều lợi ích như vậy”.

Kahn cũng chỉ ra rằng “hầu hết các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay về việc dán băng vào miệng đều dành cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Chúng ta gần như mù mờ về tác dụng của việc này với người bình thường”.

Có nên thử dán kín miệng khi ngủ không?

Nếu bạn muốn thử, Kahn khuyên bạn nên thử vào ban ngày, khi ở nhà xem TV.

“Nếu bạn có thể thở thoải mái bằng mũi, hãy thử bịt miệng 10 phút trong ngày và xem cảm giác đó như thế nào. Hãy đảm bảo rằng bạn cũng có thể dễ dàng tháo băng dính ra”.

Anh ấy khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ đa khoa nếu thường xuyên thức dậy với tình trạng khô miệng hoặc hôi miệng, cũng như thử các giải pháp như miếng dán mũi, sử dụng máy tạo độ ẩm cho đường mũi và ngủ nghiêng với cái đầu ngẩng cao.

Kahn nói: “Rượu cũng có thể gây kích ứng đường thở của bạn, vì vậy hãy giảm hoặc tránh uống rượu trước khi đi ngủ có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn”.

Các bài tập thở khác

Nếu việc băng kín miệng có vẻ hơi quá với bạn, Kunal Makwana, PT và người sáng lập KMAK Fitness, khuyên bạn nên thực hiện những bài tập này để cải thiện luồng không khí vào cơ thể.

– Thở Buteyko: Đây là phương pháp nhấn mạnh vào việc thở bằng mũi và nín thở để tạm thời tăng nồng độ carbon dioxide, có thể mang lại nhiều lợi ích sinh lý khác nhau.

– Thở bằng cơ hoành: Tập trung vào hơi thở sâu, chậm bằng cách sử dụng cơ hoành. Điều này có thể được thực hành khi nằm hoặc ngồi.

– Pranayama: Yoga cung cấp một loạt các bài tập thở, như Anulom Vilom (thở luân phiên bằng mũi), có thể thúc đẩy thở bằng mũi và các lợi ích liên quan của nó.

– Bài tập hàm: Các bài tập như ngáp sư tử trong đó bạn há to miệng, thè lưỡi rồi khép lại có thể hữu ích.

Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link