Thời tiết thất thường trong giai đoạn gần đây dễ khiến các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ em tăng cao. Ho là biểu hiện ban đầu thường gặp nhất ở trẻ. Tuy nhiên, đây là phản xạ có lợi vì làm sạch đường thở, làm long đàm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ.
Ho cũng là triệu chứng của nhiều nguyên nhân gồm hô hấp, tim mạch (suy tim trái), tiêu hóa (do trào ngược dạ dày thực quản), tác dụng phụ của thuốc, tâm lý… Ho có 2 loại: ho khan và ho có đàm. Trong đó, ho khan là ho không có đàm do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu).
Trẻ ho đàm khi tiết nhiều đàm đặc hoặc loãng do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen suyễn. Về mức độ ho, nếu trẻ ho dưới 3 tuần được xem là ho cấp tính; từ 3 đến 8 tuần là ho bán cấp tính; trên 8 tuần trở lên là ho mạn tính.
Hiện thuốc để điều trị ho chia thành 3 loại: Antitussive (chống ho); Protussive (hỗ trợ ho) và thuốc ho thảo dược. Dựa vào đặc tính của từng loại thuốc và tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ có phương hướng chỉ định.
Để tránh các hệ lụy không mong muốn, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ nếu chưa có sự cho phép của y bác sĩ. Thay vào đó, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Nguyên Khôi, Phó khoa Nội 3, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) chia sẻ.
Theo zing – Ảnh: T.H