Ngộ độc cấp là nguyên nhân gây tai nạn tử vong thứ 4 ở trẻ em. Trẻ có thể nhiễm ngộ độc cấp từ hóa chất, thuốc, thức ăn và côn trùng cắn.

Vết thương sưng tấy do rắn cắn của một bệnh nhi nhập viện muộn. Ảnh: Thúy Tâm.

Bé trai mới 8 tuổi được đưa phòng cấp với chẩn đoán dùng quá liều thuốc paracetamol. Trước đó, em bị sốt. Cách mỗi giờ, bà ngoại cho bé uống pracetamol để cháu hạ sốt. Thế nhưng, hành động vô tình này đã người bà day dứt, bởi chỉ sau 2 ngày với hàng chục lần uống thuốc theo cách trên, bé trai hôn mê, suy hô hấp nguy kịch.

Mới đây, một bé trai 5 tuổi vô tình uống nước rửa động cơ mà gia đình bỏ trong tủ lạnh. Bé uống lượng lớn dung dịch, độc lực quá lớn, mọi điều trị cứu chữa ban đầu của các bác sĩ không thể giữ được bé. Sau vài giờ đưa vào bệnh viện, bé không qua khỏi. Đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp bị ngộ độc được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, cho biết đa số những trường hợp nhập viện do ngộ độc đều dẫn đến những kết cục đau lòng.

Nhiễm độc chất hiếm, nguy kịch vì ăn đồ lạ

Không chỉ ngộ độc thuốc, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất, thức ăn, nọc độc từ động vật với các cấp độ nhẹ đến cực nguy hiểm.

Giữa tháng 5, ba anh em ruột (10, 13 và 14 tuổi), ngụ TP.HCM, cùng nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn chả lụa kẹp bánh mỳ. Các bé đều có tình trạng nặng như yếu cơ, sụp mi, suy hô hấp nặng phải đặt máy nội khí quản và phải tiêm thuốc giải Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT).

Đây là loại thuốc rất hiếm, giá thành đến 8.000 USD/lọ. May mắn, Bệnh viện Chợ Rẫy có sẵn thuốc BAT được hỗ trợ trước đó. Ba anh em cuối cùng truyền những giọt thuốc giải độc quý giá.

Rắn cắn cũng là tình huống được cấp cứu cân não tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2. Có những trẻ không rõ loại rắn,một số khác lại nhiễm độc bởi những loài cực độc, huyết thanh khan hiếm.

Mới đây, một bé trai 22 tháng tuổi được đưa đi cấp cứu muộn trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân do rắn hổ mèo cắn. Trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu và chăm sóc tích cực mới hồi phục sau vài ngày.

Đau lòng hơn, một bé trai 12 tuổi (ở Đồng Nai) cùng mẹ ăn món nấm chiên được hái từ rẫy. Cây nấm khoảng 3 cm, thân giống ấu trùng ve sầu, đầu có nấm dài khoảng 1 cm màu đỏ, trống giống “Đông trùng hạ thảo”. Thế nhưng, sau vài giờ, bé trai nhập viện do hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng và tổn thương gan, thận vì ngộ độc Gyrommitrin – một loài nấm ký sinh trên ký chủ ve sầu.

ngo doc o tre em anh 1
Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Linh Thùy.

4 tác nhân gây ngộ độc cho trẻ

Theo bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, ngộ độc cấp là nguyên nhân gây tai nạn nguy hiểm thứ 4 đối với trẻ em.

Theo thống kê 10 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 541 trường hợp ngộ độc trẻ em. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp sau đó là nhóm trẻ 6-12 tuổi và trẻ trên 12 tuổi (19%). Độ tuổi trung bình trẻ bị ngộ độc là 7,7 tuổi, nhỏ nhất là 4 tháng, lớn nhất là 16 tuổi.

“Nhiều trẻ vô tình bị ngộ độc chỉ vì gia đình bảo quản hóa chất không đúng cách, dẫn đến cái kết đau lòng”, bác sĩ Thủy nhấn mạnh. Xếp theo tác nhân, trẻ bị ngộ độc do hóa chất và thuốc tương đương nhau (khoảng 15%), ngộ độc thực phẩm khoảng 2%, nguyên nhân động vật cắn (đa phần là rắn) chiếm 67%.

Trong nhóm ngộ độc hóa chất, trẻ thường nhập viện khi tiếp xúc với các chất diệt cỏ, thuốc diệt chuột, nhóm benthol, hydro carbon, nước tẩy rửa bề mặt hoặc thuốc an thần. Một số thuốc hàng đầu gây ngộ độc ở trẻ có thể kể đến là paracetamol, thuốc chống trầm cảm, an thần.

Trong nhóm ngộ độc thực phẩm, 3 trẻ bị ngộ độc Botulinum do ăn phải chả dẫn đến suy hô hấp, 7 trẻ ngộ độc nấm dẫn đến suy gan.

Trong 541 trẻ nhập viện vì ngộ độc, 108 trường hợp nhập cấp cứu với bệnh cảnh nặng như suy hô hấp, co giật, số, rối loạn điện tim, có triệu chứng xuất huyết. Trong đó, 11 bé tử vong, chiếm tỷ lệ 2% với 7 trường hợp ngộ độc hóa chất, 3 ca bị động vật cắn và một trường hợp do ngộ độc thuốc.

Theo bác sĩ Thủy, để tránh xảy ra những trường hợp đau lòng này. Điều quan trọng là phụ huynh cần tuyệt đối cẩn thận: bảo quản hóa chất xa khỏi tầm với của trẻ, chọn thực phẩm tươi sạch và trông coi con cẩn thận, không để con đến gần các khu vực dễ có rắn. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do ngộ độc chưa được công bố nhưng con số này nằm vào khoảng 2-10% trường hợp tùy theo dân số nghiên cứu. Trong 200 trẻ này, con số tử vong chiếm 9,5%.

Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link