Phương án nghỉ Tết 7 ngày cũng nhận được sự đồng tình của Bộ Nội vụ. Rất có thể đây sẽ là phương án được lựa chọn. Vậy, khoảng thời gian nghỉ Tết 7 ngày có phải là “quá dài”?
Có thể thấy, trong dư luận đang hình thành khá rõ 2 luồng quan điểm: Một phía cho rằng chỉ nên nghỉ Tết 3-5 ngày, còn một phía cho rằng cần phải nghỉ tới 10 ngày.
Phía ủng hộ quan điểm nghỉ ít ngày đưa ra lập luận rằng, năng suất lao động của nước ta hiện còn ở mức thấp, trong khi thời gian nghỉ quá nhiều – không chỉ nghỉ Tết mà trong năm còn có nhiều dịp lễ cũng có thời gian nghỉ khá lâu, là không hợp lý. Hơn nữa, theo họ thì thời gian nghỉ Tết thường xảy ra chuyện nhậu nhẹt, bài bạc, tai nạn giao tông gia tăng… Vì thế, chỉ cần nghỉ vài ngày để “xả hơi” là đủ!
Còn phía ủng hộ quan điểm phải nghỉ nhiều hơn – từ 10-15 ngày, cho rằng: Rất nhiều người lao động làm quần quật suốt cả năm, chỉ mong đến dịp Tết để được về quê đoàn tụ với gia đình. Chỉ riêng thời gian đi lại, những người quê ở miền Bắc làm việc trong Nam, phải mất khoảng 4 ngày (vì chủ yếu di chuyển bằng đường bộ); về quê thăm thú gia đình nội-ngoại mỗi bên mất 2-3 ngày. Sau khi trở lại nơi làm việc còn phải thêm 1-2 ngày để hồi phục sức khỏe và lấy lại tinh thần trước khi bước vào một năm làm việc mới đầy căng thẳng.
Xem ra, lập luận theo chiều nào cũng có lý.
Nhưng còn về tình, thì tôi cho rằng việc cho nghỉ dài ngày là cần thiết, nhất là đối với những gia đình, người lao động sống và làm việc xa quê – hiện lên tới con số hàng chục triệu.
Có một điểm đáng chú ý, đó là những người ủng hộ nghỉ ngắn ngày phần lớn là chủ doanh nghiệp. Còn số đông người lao động nghèo, nhất là những người “tha phương cầu thực” thì mong muốn được nghỉ dài ngày hơn.
Bởi với người lao động, Tết không chỉ là lúc để họ về quê thăm gia đình, mà còn là khoảng thời gian rất cần thiết để họ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và “làm mới” tinh thần – điều mà suốt cả năm họ không thể có điều kiện để thực hiện. Có thâm nhập vào đời sống của hàng triệu công nhân nghèo mới thấy cuộc sống của họ trong cả năm trời đằng đẵng khổ cực và thiếu thốn đến mức nào! Họ phải làm việc quần quật suốt từ sáng đến tối, nhiều Chủ nhật cũng không được nghỉ. Tối về phòng trọ ăn vội bữa tối đạm bạc, rồi đi nghỉ. Đời sống vật chất đã thiếu thốn, đời sống tinh thần – tình cảm càng nghèo nàn hơn.
Không ít người chỉ sau trên dưới chục năm làm việc mà đã trở nên “già nua”, yếu ớt. Không ít người vì sức lực hao mòn nên đã buộc phải rời khỏi môi trường sản xuất công nghiệp đầy áp lực, trở về quê mà chẳng có được bao nhiêu tích lũy.
Nếu muốn họ làm việc tốt thì phải cho họ thời gian nghỉ ngơi. Tôi không đồng tình với quan điểm nhiều nước phát triển không có nhiều ngày nghỉ bằng ta. Thực tế, có thể một số nước chỉ có dăm ba ngày nghỉ lễ, Tết chỉ nghỉ 3 ngày, nhưng hàng năm, công ty của họ đều có những đợt nghỉ 10 ngày, nửa tháng để họ được đi du lịch. Mặt khác, thời gian nghỉ Tết ngắn nhưng ngay trước đó là mùa Giáng Sinh, họ cũng được nghỉ ít ra là 2-3 ngày.
Chẳng cần nói đâu xa, ngay cả một ngân hàng của Anh đặt tại Việt Nam, nhân viên làm việc ở đó năm nào cũng “bắt buộc” phải nghỉ 2 tuần để… đi chơi, bằng tiền do đơn vị này chu cấp.
Một nước láng giềng của Việt Nam là Malaysia, mỗi năm cũng có tới 40 ngày nghỉ lễ, Tết.
Đành rằng, dịp Tết thường diễn ra tình trạng bài bạc, nhậu nhẹt, số ca tai nạn gia tăng… Nhưng đó đâu phải là do được nghỉ Tết. Đó là tệ nạn, vấn nạn vẫn thường xuyên xảy ra chứ đâu có đợi đến Tết!?
Đổ lỗi cho nghỉ Tết như nguyên nhân dẫn tới những tệ nạn, vấn nạn ấy chẳng qua chỉ là một cách ngụy biện để che giấu sự vô cảm mà thôi!
Tất nhiên, quy định của Nhà nước đưa ra như thế nào thì mọi người đều phải thực hiện như vậy. Nhưng nên chăng, mỗi doanh nghiệp nên có cách riêng của mình để tạo điều kiện cho người lao động có thể giải quyết được cơ bản những nhu cầu cá nhân của mình trong dịp Tết. Ví dụ như giải quyết kết hợp nghỉ phép năm cho số lao động có gia đình ở xa, điều kiện đi lại khó khăn.
Ai cũng biết các doanh nghiệp cần có lực lượng lao động ổn định, đủ về quân số để sớm đi vào hoạt động ngay từ sau Tết. Nhưng nếu họ trở lại làm việc trong tâm thế thoải mái, yên tâm và hứng khởi, thì chắc chắn hiệu suất công việc sẽ tốt hơn. Khi ấy, người được hưởng lợi sẽ chẳng ai khác – là chính những chủ doanh nghiệp, và nhìn rộng hơn, là cả nền sản xuất của đất nước.
Vì thế, chẳng nên hẹp hòi với người lao động mấy ngày nghỉ Tết để làm gì!…