Hiện nay với sự phát triển của Internet, người tiêu dùng luôn được cập nhật thông tin một cách nhanh nhất. Thế nhưng, mặt trái cũng có những tin đồn độc hại “giết chết” người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng tới lợi ích Quốc gia. Đỉa trong hộp sữa, trứng gà bị nhiễm HIV hay ăn bưởi, ăn cá kèo, sử dụng đậu nành bị ung thư… Những tin đồn đó tựa như cơn ác mộng kinh hoàng đối với người nông dân và doanh nghiệp.
Tin đồn Đỉa trong sữa và Virus HIV trong trứng gà
Trường hợp xảy ra tại thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) với tin đồn có đỉa trong hộp sữa tươi tiệt trùng. Sau khi đã gây hiệu ứng cho dư luận, các thông tin tẩy chay liên tiếp được đưa ra. Thậm chí, các trường mẫu giáo đã quyết định “đoạn tuyệt” với loại sữa này. Mặc dù sau này, các chuyên gia và cơ quan chức năng đã vào cuộc để kiểm nghiệm sản phẩm và khẳng định tin đồn trên là thất thiệt nhưng những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian “râm ran tin đồn” thì không biết kêu ai.
Trứng gà tiêm máu nhiễm HIV – Tin đồn khiến người dân điêu đứng.
Tiếp đến là tin đồn trứng gà bị tiêm máu nhiễm virus HIV cũng khiến người chăn nuôi khóc ròng vì thua lỗ. Anh Nguyễn Hùng Văn, một chủ trang trại ở xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) buồn bã nói: “Gia đình tôi cắm cả sổ đỏ, vay ngân hàng để làm trang trại, nuôi gà. Thế rồi, bỗng đâu từ trên trời rơi xuống tin đồn trứng gà bị tiêm máu nhiễm HIV xuất hiện trên mạng. Ra chợ, người ta cứ đi qua hàng trứng gà là lại lắc đầu nghi ngại. Suốt một thời gian dài, trứng gà chất đầy nhà không bán được. Để có tiền trả lãi ngân hàng; chúng tôi phải bán tống bán tháo cho tiểu thương giá rẻ mạt. Không riêng chúng tôi mà trên thực tế rất nhiều gia đình làm trang trại khổ sở vì tin đồn”. Nghe những lời bộc bạch chua xót của anh Văn, chúng tôi cảm thấy quặn lòng. Phải chăng, việc trứng gà bán rẻ như cho chính là kết cục mong muốn của những kẻ đưa ra tin đồn?
Tin đồn “Ăn bưởi sẽ bị ung thư”
Tương tự, dư luận lại đồn thổi “ăn bưởi sẽ bị ung thư” tại một số địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, gây không ít hoang mang trong người tiêu dùng, còn các nhà vườn thì… chới với, bởi lượng tiêu thụ sút giảm trông thấy.
Tin đồn ăn bưởi cũng có khả năng gây ung thư…
Sau đó Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt một số cơ quan báo chí đã đăng thông tin về việc “ăn nhiều bưởi có nguy cơ ung thư vú”, gây thiệt hại vật chất cho người trồng bưởi trong nước. Tuy nhiên những thiệt hại mà người nông dân trồng bưởi phải gánh chịu thì không biết ai, tổ chức nào sẽ là người đền bù cho họ?
Tin đồn “Đậu nành gây ung thư”
Đặc biệt, mới đây nhất một số nguồn tin lại đưa tin về đậu nành, mầm đậu nành, tinh chất mầm đậu nành gây ung thư với các thông tin chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm chứng.
Đậu nành, mầm đậu nành… “nạn nhân” tiếp theo của những tin đồn.
Trước thông tin này, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định: Mầm đậu nành làm tăng nồng độ chất Isoflavon hay còn gọi là nội tiết tố nữ thực vật. Các nghiên cứu trên thế giới đã khuyến nghị, mỗi ngày, các chị em (ngay cả phụ nữ mang thai) cần hấp thu khoảng 45 mg Isoflavon từ việc ăn đậu phụ, uống sữa đậu nành, hoặc mầm đậu nành. Estrogen trong mầm đậu nành là Estrogen thực vật hay còn gọi là Phytoestrogen, không phá vỡ chức năng nội tiết, cũng không gây nguy cơ ung thư như lời đồn. Ngược lại, nhiều nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh: Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có tác dụng giảm nguy cơ ung thư.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khi nghe thông tin này cũng đã khẳng định “Thông tin đậu nành hay sữa đậu nành gây ung thư chưa có bằng chứng khoa học. Nếu nghi ngờ mầm đậu nành chứa 1 chất tương tự như estrogen và cho rằng estrogen có thể gây ung là không có cơ sở”
Điều đáng nói là đậu nành, mầm đậu nành đều là nguồn thực phẩm quen thuộc được người dân Việt Nam sử dụng từ bao đời nay. Đây cũng là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của những người ăn chay, những tăng ni phật tử. Theo khảo sát của AC Nelson năm 2014, Việt Nam là nước sử dụng sữa đậu nành lớn thứ 3 thế giới với sức tiêu thụ sử dụng 1.7 triệu lít sữa đậu nành mỗi ngày (tương đương 613 triệu lít sữa/năm) và hàng triệu hộ nông dân trồng đậu nành và cho sản lượng hơn 300.000 tấn mỗi năm
Nguồn: http://www.vietrade.gov.vn/nong-sn-khac/1972-san-xuat-va-tieu-thu-dau-tuong-tai-viet-nam-2011.html
Việc đưa thông tin đồn thiếu căn cứ như thế này sẽ có ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến hàng triệu công ăn việc làm và đời sống của người dân Việt Nam trên các vùng trồng đậu nành; ảnh hưởng tới hàng vạn các công ty/đơn vị chế biến thức ăn từ đậu nành như đậu phụ, đậu tương, dầu ăn; ảnh hưởng tới hàng loạt các công ty chế biến sữa có thành phần từ đậu nành; cũng như các sản phẩm khác có thành phần từ đậu nành, mầm đậu nành; ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành.
Đi tìm thế lực đứng sau tin đồn
Tiến sỹ Lưu Hồng Minh, Trưởng Khoa Xã hội Học, Học viện báo chí và tuyên truyền cho biết: “Không ít người tiêu dùng chạy theo đám đông một cách mù quáng. Với sự phát triển của khoa học nói chung, của công nghệ thông tin truyền thông nói riêng thì một sự việc vừa xảy ra có thể lan truyền khắp thế giới. Bởi vậy, người ta gọi thế giới ngày nay là “thế giới phẳng”. Chúng ta có thể hình dung hiện nay các công ty mọc lên như “nấm sau mưa” và đương nhiên họ phải tự mình tạo ra những chiến trường khốc liệt để cạnh tranh nhau”.
Tất cả những tin đồn thất thiệt này không phải ngẫu nhiên mà được tung ra trên diện rộng. Bàn tay đứng sau điều khiển chúng có thể là PR đen (Black PR). Điều này phổ biến trong kinh doanh, một số công ty sử dụng thủ pháp này để triệt hạ đối thủ. Không phải lúc nào chúng ta cũng phát hiện ra các phi vụ PR đen bởi phàm những đơn vị đã có khả năng thực hiện chúng thường thực hiện rất tinh vi. Chuyên gia PR Di Li kịch liệt phản đối chiêu trò bẩn này và cho biết: “Người có nhân cách là người tự phát triển bằng chính tài năng của mình chứ không phải nhờ vào sự gục ngã của đối phương”.
Hiện nay cách hiệu quả duy nhất để chống lại các chiêu trò của PR đen dựa hoàn toàn vào sự cảnh giác và sáng suốt của người tiêu dùng. Trước khi có bất cứ khuyến cáo nào từ cơ quan chức năng có thẩm quyền thì người dân không nên nghe theo bất cứ thông tin đồn nhảm nào.