Mối lương duyên đã gắn kết anh với ấn triện, bắt đầu từ năm 1992. Khi đó, anh Phẩm về thăm quê ở Bình Định thì tình cờ mua được một chiếc ấn bằng đồng của người bán ve chai. Thấy những dòng chữ khắc trên con dấu, anh tò tò đem nhờ các chuyên gia đọc chữ Hán giải thích thì mới biết đó là chiếc ấn của triều vua vô cùng quý giá. Hiểu được giá trị lịch sử ấy, anh Phẩm bắt đầu đam mê tìm tòi nghiên cứu rồi dần trở thành thú sưu tầm ấn triện “khó bỏ” của mình.
Trong suốt 24 năm miệt mài sưu tầm, anh Phẩm đã bôn ba khắp Nam – Bắc để gom góp cho mình bộ sưu tập ấn triện “độc nhất vô nhị”. Hiện anh Phẩm đã có gia tài đồ sộ với trên 400 chiếc ấn, đủ kích cỡ, gồm nhiều chất liệu bằng đồng, ngà, vàng, đá quý… của các thời nhà Trần, Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn với những “chức vụ” khác nhau như: Đại Đô Đốc, Đô Đốc, Tổng Đốc… Đặc biệt, chiếc ấn Hồng Đức Nhị Niên (đời nhà Lê năm thứ 2) tính đến nay có tuổi đời gần 550 năm.
Nghề “chơi” ấn cũng lắm công phu. Để hiểu về ấn triện, anh đã bỏ gần chục năm trời theo học, nghiên cứu kỹ lưỡng chữ Hán, chữ Nôm để hiểu được những kiểu chữ ngoằn ngoèo trên mặt ấn. Sau đó, anh đã cùng các chuyên gia đầu ngành về cổ vật miệt mài nguyên cứu để tìm ra các giá trị tinh hoa của con ấn, để biết chúng thuộc thời đại nào và cả những thăng trầm của người sở hữu nó.
Tuy sưu tầm được hàng tram chiếc ấn triện, song 12 chiếc ấn có giá trị nhất vào thời Tây Sơn là quý giá nhất đối với anh. Theo nhiều nhà nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam – đây là bộ ấn rất hiếm và trọn vẹn nhất, bởi đấy là ấn của các vị tướng còn sót lại sau những trận đánh tử thủ với quân của Nguyễn Ánh. Đến vùng đất nào đó, để tránh không bị liên luỵ, họ đã quăng bỏ ấn triện xuống các dòng sông. Nhờ vậy mà các ấn triện thời loạn lạc đó vẫn được giữ nguyên trong dân gian. Và cũng nhờ vậy mà vết tích còn lại hiếm hoi của triều Tây Sơn vang bóng một thời.
Đã có những lúc, việc sưu tập ấn triện gặp khó khăn khi nhiều nhà sưu tập nước ngoài có nhiều tiền đã “hẫng tay trên” chiếc ấn triện. Cứ nghĩ đến việc “bảo vật quốc gia” sẽ lưu lạc ở nước ngoài là anh lại cầm lòng không được và càng quyết tâm, hăng say hơn trong việc tìm tòi, lưu giữ càng nhiều hơn những chiếc ấn triện.
Ngoài bộ ấn triện độc đáo, anh Phẩm còn nổi danh với nhiều cổ vật quý và lạ khác như đồ trang sức của người tiền sử cùng cổ vật bằng đồng, gốm, sành sứ… đậm dấu ấn của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa, Đông Sơn có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật và văn hóa.
Không giữ “vật hiếm” riêng cho mình, anh Phẩm đã cùng nhiều thành viên CLB Cổ vật TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, giao lưu chuyên đề hoặc cho các bảo tàng mượn bộ sưu tập ấn triện để trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Anh tâm sự: “Khi chơi cổ vật, tôi không màng đến giá trị tiền bạc, mà chơi để hiểu và lưu giữ giá trị lịch sử dân tộc. Vật chất có thể biến mất nhưng giá trị thời gian sẽ luôn còn mãi”.