NHÀ CAO KỀU
Ngôi nhà nhỏ rộng chừng 30 m² của của bà Trần Thị Láng (63 tuổi) nằm nép mình ven con đê Vĩnh Hậu A. Dù đã mường tượng trước nhưng tôi vẫn không khỏi giật mình trước vóc dáng, dung nhan dị thường của người phụ nữ tuổi lục tuần này: Cao 2.1m, đôi vai rộng, lưng cong, hai bàn tay, chân to bè, khuôn mặt khắc khổ, giọng nói thì oang oang như… tiếng sấm.
Trên chiếc giường gỗ, bà Láng kể: “Tôi là thứ 4 trong gia đình 8 anh em. Chẳng hiểu sao mà chúng tôi sinh ra đều có chiều cao “ngoại cỡ” cả. Tôi cao vậy chớ nhưng vẫn thuộc hàng “thấp bé” nhất trong nhà. Hồi đó, nhìn gia đình chúng tôi, ai cũng phải… run sợ”.
Thời chiến tranh loạn lạc, gia đình họ “tan đàn xẻ nghé” hết, mỗi người sống một nơi. Duy chỉ có bà Láng là sống cùng với người cha ở vùng ven biển Bạc Liêu. Biết vẻ bề ngoài “khác người” của mình nên bà Láng mặc cảm lắm, sống khép mình, chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện hôn nhân.
Thế nhưng, khi 19 tuổi, bà Láng bất ngờ được một láng giềng nhờ bà mai tới se duyên cho cậu con trai Lê Văn Sụa, hơn bà 3 tuổi. “Hồi đó, má chồng thấy tôi có thân hình cao ráo, khỏe mạnh, nghĩ là sẽ “mắn đẻ”, đảm việc nhà nên “kết” dữ lắm. Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ được ai “thương” cả nên gật đầu đồng ý luôn. Ổng tuy có chiều cao “chuẩn” 1.7m, nhưng so với tôi vẫn còn “lùn” nên chòm xóm cứ gặp mặt là chọc ghẹo là 2 “chị em”, bà Láng kể.
Khi đám cưới, vợ chồng bà dựng căn lều nhỏ dưới tán rừng phòng hộ ven biển, sống bằng nghề mò cua bắt ốc, kiếm từng bữa ăn qua ngày. Bà Láng sinh được 8 mặt con: 4 trai, 4 gái. Thật lạ là trong số đó, 4 người có chiều cao trung bình giống cha, 4 người lại sở hữu chiều cao “ngoại cỡ” giống mẹ.
Bôn ba mua gánh bán bưng, làm mướn khắp xóm vẫn không đủ nuôi bầy con “khổng lồ” nên bà Láng đã phải đi bán máu để kiếm thêm tiền. Bà rơm rớm nước mắt: “Tụi con tôi nó háu ăn dữ lắm. Mỗi bữa phải ăn 3 chén cơm đầy mới tạm no. Nhà nghèo, con đông nên mỗi tháng, tôi bán máu tới 3 lần. Để qua mặt bác sĩ, tôi mượn người quen 2 chiếc thẻ căn cước để không bị ghi “sổ đen”. Sau khi bán máu xong, bệnh viện trả cho chút tiền rồi cấp cho tem phiếu mua thịt, sữa, đường… để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe. Cũng nhờ đó mà có cái ăn để nuôi các con đấy”.
Không thể ngờ rằng bà Láng đã coi việc bán máu trở thành một cái “nghề”. Nó đã đeo bám lấy bà suốt 20 năm ròng cho đến khi bà đã quá tuổi. Đưa hai cánh tay chi chit những vết sẹo – dấu vết để lại sau hàng trăm lần bán máu, bà nói: “Bán máu xong, tôi vẫn quần quật lao động. Ai thuê gì thì làm nấy để có cái ăn cho tụi nhỏ. Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân tôi ê ẩm, bệnh tật thi nhau bủa vây, hết bao tử, tới xương cốt, bướu, huyết áp…”
NẶNG TRĨU NỖI LO
Bề ngoài “cao lớn vượt trội” cũng khiến những đứa con của bà Láng sống trong nhiều mặc cảm, tình duyên long đong. Bà buồn rầu: “Gặp người lạ, tụi nó lại lẻn trốn vì mặc cảm. Đến trường học chữ thì bị tụi bạn gọi là “quỷ” nên cứ lầm lũi ở nhà mò cua, bắt ốc đi bán”.
Trong các con, bà Láng thương nhất là anh Lê Văn Lem (34 tuổi). Lem to khỏe, cao tới 2.12m, sức làm việc gấp đôi người thường nên một gia đình ở huyện Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) hứa sẽ gả con gái cho nếu chịu làm công trong vòng 3 năm. Hết thời hạn trên, bà Láng vay mượn hàng xóm chút tiền để mua lễ vật cầu hôn cho con trai. Song, “nhà gái” thất hứa, từ chối thẳng thừng vì đã có “mối” khác. Từ đó, Lem bỏ về quê theo ghe tàu, làm thuê biền biệt ngoài biển. Gần đây, anh mới về sống chung với cha mẹ. “Giờ nó chẳng tin ai cả. Suốt ngày sống lầm lũi, thu mình như vỏ ốc”, bà Láng bộc bạch.
Người “khổng lồ” khác cũng khiến vợ chồng bà Láng luôn lo lắng, thấp thỏm lo âu, đó là anh Lê Văn Lắm (36 tuổi). Lắm cao tới 2.2m, thân hình lực lưỡng, thích ca vọng cổ nên được các gánh hát địa phương mời “chạy show”. Bà Láng rầu rĩ: “Thật ra, họ lợi dụng vẻ “kỳ quái” của thằng Lắm để thu hút khán giả mua vé, chứ nó hát hò được gì đâu. Khi biểu diễn quận Ô Môn (Cần Thơ), mọi người coi nó chẳng khác gì con “quái vật”. Họ trêu chọc, văng ra những lời miệt thị cay nghiệt rồi còn ném cả trứng thối vào mặt nó nữa. Nó khóc rồi đi bộ suốt cả tuần, vượt qua hơn 170 km mới về tới được nhà. Sự ám ảnh khiến nó phát khùng luôn. Giờ bỏ xứ đi miết. Hễ có đám ma nào là y rằng gặp nó ở đó”.
Từ nhỏ, cô con gái út là Lê Thị Bé Thu (26 tuổi) đã bị gọi là “người ngoài hành tinh” nên sống trong mặc cảm, ít tiếp xúc với bên ngoài. Đầu năm 2014, để xóa bớt số nợ 25 triệu đồng mà cha mẹ vay mượn, Bé Thu đã chấp nhận bỏ lên Sài Gòn “ra mắt” đoàn rể người Trung Quốc. Cuối cùng, thì người đàn ông tên là Tao Zhao Zu (46 tuổi), ở huyện Chiết Giang đã bỏ ra 20 triệu đồng để “mua” cô dâu Việt thuộc “hàng hiếm” này, khi sở hữu chiều cao tới 2.1m. Bà Láng nhìn ra cửa, nói giọng buồn buồn: “Nó đi mấy năm nay mới chỉ gọi điện về nhà được 2 lần. Không biết nó sống ra sao, mà nó cứ khóc suốt. Tôi đang lo lắm”. Còn ông Sụa thì thở dài: “Nó gọi về thăm thì biết là… còn sống. Vậy là mừng rồi”.
Trong những người con “khổng lồ”, chỉ có chị Ánh Hồng, năm nay 44 tuổi là có chồng ở Cà Mau. Tuy nhiên, hai vợ chồng của chị Hồng cũng nghèo xơ xác. Vợ chồng chị Hồng cũng đã có 4 người con, và trong số đó, cô con gái 15 tuổi cũng đã “kịp” thừa hưởng chiều cao di truyền của mẹ và bà ngoại.
Hiện cả 4 người con trai đều đang sống chung với vợ chồng bà Láng. Dù đã lớn tuổi nhưng chưa ai có vợ cả. Bà Láng bộc bạch: “Nhà nghèo, lại còn “quái dị” nữa nên không đám nào chịu cả. Thôi kệ, có tụi nó sống chung cũng đỡ buồn. Giờ cái ăn của cả nhà giờ phụ thuộc cả con nước cao thấp để mò cua, bắt ốc, ai mướn gì làm đó, kiếm sao cho được 5 kg gạo là được. Tuy nhiên, ngày nào “thất nghiệp” thì đành nhịn đói. Đêm nằm ngủ nghe cái bao tử chúng nó cứ “gào” cả lên, rốt cả ruột. Tội nghiệp, sức thanh niên mà cả tháng nay chưa biết mùi vị miếng thịt heo ra sao cả”.
Cuộc sống chật vật khó khăn, bà Láng lại đang mang trong người cả chục loại bệnh “khủng khiếp”: Thiếu máu cơ tim, cao huyết áp, đau khớp, bướu, thận… Bà buồn bã tâm sự: “Còn khoản nợ hơn 2 triệu đồng, mỗi ngày đóng 20.000 đồng tiền lãi chưa lo xong thì lấy tiền đâu ra mà chữa trị. Thôi thì khi nào “trời kêu” thì “dạ” vậy. Vợ chồng tôi già yếu, đau ốm nên làm việc hết nổi rồi. Mấy đứa con toàn thất học, công việc bấp bênh nên mỗi ngày lo được bữa cơm no đã là may mắn, hạnh phúc lắm rồi”.
Và chẳng biết, cái đói, cái nghèo sẽ còn bám theo gia đình “người khổng lồ” này thêm bao lâu nữa.