Theo báo Anh Express, phiến đá này chưa ai từng được nhìn thấy kể từ năm 1555, gần đây đã được khai quật trong công tác trùng tu nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulchre) ở thành phố cổ Jerusalem (Israel). Phiến đá vôi này được cho là nơi Chúa Giêsu được mai táng sau khi chết và sống lại sau đó.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu từ National Geographic và Đại học Athens đã kiểm tra các lăng mộ của Chúa Giêsu để sửa chữa sau hàng năm trời bỏ bê. Họ đã thực sự sốc khi tìm thấy nơi chôn cất vẫn còn nguyên vẹn sau gần 1600 năm bị cô lập.
Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học của National Geographic, cho biết: “Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, đầu gối tôi run rẩy vì đã không ngờ điều này xảy ra. Chúng tôi không thể chắc chắn 100%, nhưng rõ ràng vị trí của ngôi mộ đã không bị di dịch theo thời gian, điều mà các nhà khoa học và các nhà sử học đã tự hỏi trong nhiều thập kỷ”.
Antonia Moropoulou của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, nói thêm: “Đây là phiến đá thánh đã được tôn kính trong nhiều thế kỷ, nhưng chỉ bây giờ mới thực sự được nhìn thấy.”
Trong khi đoàn nghiên cứu không thể khẳng định tuyệt đối đây là nơi chôn cất của Chúa Giêsu thành Nazareth, nhiều người khác thì lại tin rằng các bằng chứng hỗ trợ cho giả thuyết này.
Mộ Chúa Jesus được phát hiện lần đầu tiên vào năm 326, sau khi Helena, mẹ hoàng đế La Mã đầu tiên theo Cơ Đốc giáo Constantine đi tới Jerusalem và hỏi những người dân địa phương nơi Chúa bị hành hình và chôn cất. Theo chỉ dẫn của họ, Helena tìm thấy một hang động đá vôi nằm trong khu vực chứa nhiều ngôi mộ từ thế kỷ 1-2. Theo Kinh Thánh, Helena ra lệnh khai quật và tìm thấy mộ Chúa Jesus cùng ba cây thánh giá và một số đinh sắt. Để xác định cây thánh giá Chúa Jesus bị đóng đinh, những người đứng đầu nhà thờ treo thi thể người chết lên cả ba cây thánh giá và một trong số đó khiến người chết hồi sinh.
Helena và hoàng đế Constantine ra lệnh phá sập đền thờ ngoại giáo bên trên khu vực khai quật, di dời trần hang và xây một phòng thờ mới bao trùm ngôi mộ để những người hành hương có thể cúi xuống và quan sát mộ. Cùng lúc đó, nhà thờ Mộ Thánh được xây bao quanh phòng thờ và hoàn thành sau 10 năm, theo các ghi chép lịch sử của nhà thờ Chính thống giáo Đông phương.
Những tường thuật sớm nhất về lễ mai táng của Chúa Giêsu được viết trong sách Phúc Âm Canonical – quyển đầu tiên trong 4 sách Tân Ước viết sau cái chết của ngài. Sách mô tả việc Chúa Giêsu được chôn cất trong một ngôi mộ đá thuộc quyền sở hữu của Joseph Arimathea giàu có – cũng là một trong những môn đệ của ngài.
Dan Bahat, cựu nhà khảo cổ học ở Jerusalem và Galile, cho biết: “Chúng tôi có thể không hoàn toàn chắc chắn rằng nhà thờ Mộ Thánh là nơi chôn cất của Chúa Giêsu, nhưng chắc chắn rằng không có địa điểm nào khác có thể đặt được một trọng lượng như vậy, và chúng tôi không có lý do gì để từ chối tính xác thực của địa điểm này”,
Sự kiện này bắt đầu từ thời điểm nhóm trùng tu được đưa vào làm việc trên các lăng mộ của Chúa Giêsu đầu năm nay do các chuyên gia lo ngại công trình cổ này đang trên bờ vực sụp đổ. Các bức tường của nhà nguyện cũ có tuổi đời 1.600 năm bị phủ đầy bồ hóng khi Kitô hữu hành hương tới đây thắp sáng các lư hương đèn và nến để tưởng nhớ Chúa Giêsu. Hiện nhà nguyện đang nằm trong một dự án phục hồi khẩn cấp trị giá 4,2 triệu đô.