Tờ lịch nhà bạn mở ra với 4 con số 1 – đó là một con số “cực kỳ độc đáo” trong năm. Những con số ấy gợi nên một nỗi buồn man mác của sự đơn độc, của những mảnh đời độc hành trong cuộc sống.
Xã hội có biết bao người đang độc thân? Có lẽ trả lời cho đó không quan trọng bằng việc trả lời câu hỏi “tại sao họ lại độc thân”?
Độc thân – có nghĩa là không có vợ, cũng chẳng có người yêu. Đó là những cuộc sống “bình bình” chẳng có điểm nhấn. Đó là “một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi”, để cảm nhận “những mặt đường nằm câm, những mặt người buồn tênh”…
Vì rất nhiều lý do khác nhau mà trong đời luôn có những người độc thân.
Có thể vì một sự thiếu may mắn nào đó. Cũng có thể vì trái tim đã khô hạn, chai sạn, không còn rung động được nữa…
Nhiều người độc thân không có ai ở bên cạnh. Nhưng cũng có những người dẫu vẫn có một ai đó ở bên nhưng họ lại không cảm nhận được, thậm chí là khước từ sự hiện hữu đó. Họ bước đi bên cạnh một người quen mà cảm giác đơn độc như một kẻ độc hành, chỉ biết độc thoại với chính mình. Vì thế mà họ vẫn “độc thân”!
Có lẽ bất cứ ai trong đời cũng đều trải qua cái thời độc thân.
Thường những ngày lễ tết, những người độc thân cảm thấy buồn nhất. Họ quay quắt gặm nhấm nỗi buồn một mình. Họ phải đánh vật với áp lực ghê gớm khi không có một ai sẻ chia những điều bức bối. Họ không biết nói gì, làm gì cho hết quãng thời gian tưởng như dài vô tận ở phía trước…
Nhưng vào ngày lễ độc thân thì họ cũng ít nhiều được an ủi. Bởi họ nhận ra một thực tế, rằng trong cuộc đời cũng có nhiều người khác giống như mình.
Người độc thân thường mang tâm trạng cô đơn. Đặc biệt là những người độc thân sống trên mảnh đất không phải là quê hương mình. Nhiều người muốn trốn chạy cảm giác cô đơn ấy. Nhưng không mấy người hiểu được rằng, chính nỗi cô đơn ấy lại mang đến những cảm xúc thăng hoa cho những tâm hồn đơn lẻ trở nên vô cùng nhạy cảm. Những nhà thơ, những nhạc sĩ thiên tài đã từng viết nên những tác phẩm tuyệt hay bắt nguồn từ tâm trạng cô đơn ấy. Điều lạ, là không ít người sau khi tìm được hạnh phúc, có một cuộc sống sung túc, thì tài năng cũng bị thui chột. Họ không có đủ cảm xúc để sáng tạo, để diễn đạt ngôn ngữ của cuộc sống một cách sâu sắc và lắng đọng nhất…
Có người lý giải rằng, bởi khi chia tay với cuộc sống độc thân, thì cũng đồng nghĩa với việc họ chia tay cả sự tự do, không còn được thả hồn bay bổng với những cảm xúc chợt đế chợt đi một cách tình cờ…
Thế mới hay, độc thân đôi khi cũng có giá trị của nó. Không biết giờ đây có còn mấy ai nhớ đến bài hát “Trai độc thân” mà ca sĩ Duy Quang đã hát cách đây hơn 40 năm: “Coi tôi đó trai độc thân vui sướng, không sầu lo nghĩ. Mãi sống thế này đâu chút chi phiền toái, sung sướng thấy đời đơn chiếc…”.
Chẳng thế mà người ta vẫn thường hay tổ chức bữa tiệc chia tay “kiếp độc thân” ngay trước ngày cưới đó sao!
Dẫu độc thân, nhưng ta vẫn là một thành tố của xã hội, là một thực thể có cảm xúc và biết yêu thương. Vậy thì độc thân đâu có gì đáng sợ. Chỉ sợ trong ngày lễ độc thân, bỗng nhận ra rằng mình chẳng còn khao khát được ai đó yêu thương, và được yêu thương một ai đó…