Để khám phá mối liên hệ giữa xem TV trong bữa ăn và các yếu tố nguy cơ béo phì ở trẻ em, nhóm nghiên cứu đã phân tích, ghi hình 120 gia đình có con em trong độ tuổi 6 đến 12. Nhiệm vụ của các gia đình là báo cáo lại chính xác cho nhóm đã ăn những gì và cách họ thưởng thức món ăn ra sao.
Nhóm nghiên cứu sẽ căn cứ cuộc ghi hình để đánh giá mức độ dinh dưỡng, thời gian sử dụng TV và bầu không khí trong bữa ăn.
Theo đó, chỉ 1/3 số hộ gia đình không bật tivi trong cả 2 bữa ăn chính. Khoảng 1/4 số hộ gia đình bật tivi trong 1 bữa ăn và 43% còn lại bật TV trong cả 2 bữa. Trong nhóm này thì đến 2/3 là thật sự theo dõi TV, số còn lại chỉ bật như thói quen và không theo dõi.
Những gia đình không sử dụng tivi hoặc chỉ bật trong 1 bữa ăn cho thấy họ thường ăn nhiều hơn so với các gia đình bật trong cả 2 bữa, dù họ có thực sự xem hay không. Những gia đình không xem tivi cũng có chế độ ăn lành mạnh hơn trong khi những gia đình hay xem tivi có xu hướng ăn “fast-food” trong bữa tối.
Bên cạnh đó, các trẻ em thuộc nhóm gia đình xem TV khi ăn nhiều khả năng bị thừa cân hoặc béo phì hơn so với những đứa trẻ mà gia đình không xem TV trong bữa ăn. “Việc trẻ không bị phân tâm bởi TV sẽ là cơ hội để bậc phụ huynh thử những món ăn mới và điều chỉnh lại tình trạng ăn uống của con em mình. Ngược lại, nếu để trẻ vừa ăn vừa xem sẽ dẫn đến việc trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít đến nỗi bản thân chúng cũng không nhận ra điều đó,” Eileen Fitzpatrick, một trợ lý giáo sư tại The Sage cho hay.
Ngoài ra, ông Fitzpatrick cho rằng một số quảng cáo thực phẩm không lành mạnh dành cho trẻ em trên truyền hình có thể khiến chúng thật sự thích thú và muốn được ăn trong bữa cơm gia đình.
“Bữa ăn gia đình nên là khoảng thời gian để các thành viên gắn kết với nhau, qua đó các bậc phụ huynh có thể hiểu hơn về con cái mình. Nên tắt tivi để cả gia đình có bữa ăn thật sự chất lượng, nhờ vậy thưởng thức các món ăn một cách trọn vẹn hơn,” ông Fitzpatrick chia sẻ.