Để kiểm chứng giả thuyết trên, bác sỹ Nancy Donovan từ Bệnh viện Đại học Harvard và cộng sự đã nghiên cứu trên 79 người với độ tuổi trung bình là 76, không có các vấn đề về trí nhớ. Những người tham gia được khảo sát về mức độ cô đơn trong khi các phim chụp sọ não quan sát về sự lắng đọng amyloid – một loại protein xuất hiện trong Alzheimer.
Khoảng 32% người tham gia có lắng đọng amyloid trong não. Sau khi loại trừ các yếu tố liên quan bao gồm trầm cảm, lo lắng và quan hệ xã hội, các nhà nghiên cứu tuyên bố nhóm 32% này có xu hướng cảm thấy cô đơn nhiều hơn so với nhóm còn lại.
Ngoài ra, mối liên hệ này rõ ràng hơn ở những người mang gen APOEε4 được cho là có liên quan với bệnh Alzheimer.
Bác sỹ Donovan cho rằng những thay đổi cấu trúc não trong giai đoạn đầu của Alzheimer có thể khiến mọi người cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Những người trong nhóm này cũng có xu hướng từ chối các hoạt động tập thể , “họ cảm thấy không thoải mái và lo lắng khi tham gia các hoạt động xã hội”, bà tuyên bố.
Cũng trong nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định đây là một vòng tròn bệnh lý, sự tích luỹ amyloid làm tăng cô đơn, và càng cô đơn càng làm lắng đọng nhiều amyloid trong não.
Các bác sỹ luôn muốn tìm các dấu hiệu nhạy và đặc hiệu nhất để sớm phát hiện ra tình trạng mất trí nhớ. Nghiên cứu trên đây có tiềm năng mở ra một kỷ nguyên mới cho điều trị các rối loạn trí nhớ mà điển hình là Alzheimer. Tuy nhiên, Alzheimer không chỉ tác động đến trí nhớ mà trên toàn bộ các khía cạnh của tinh thần, có thể là nỗi sợ hãi, giận giữ,…và có thể có các dấu ấn sinh học khác đặc hiệu hơn trong chẩn đoán căn bệnh này.
“Chúng tôi thực sự muốn tìm hiểu về toàn bộ bức tranh, và sự cô đơn có thể là một phần của nó”, bac sỹ Donovan kết luận. “Còn quá sớm để đưa sự cô đơn vào tiêu chuẩn chẩn đoán Alzheimer, nhưng chắc chắn nó là một dấu hiệu gợi ý quan trọng”.