Văn bản của Vinastas do chủ tịch hội Đoàn Phương ký, thừa nhận: “Ngày 17/10/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức buổi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc.
Tuy nhiên nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng, trong đó có việc đồng nhất khái niệm arsen với thạch tín không đúng theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tạo điều kiện cho việc đưa ra các thông tin ban đầu gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm”.
Có thể nói, đó là lý do được lãnh đạo Vinastas viện dẫn để nói lời xin lỗi như sau: “Thay mặt cho nhóm khảo sát, Vinastas xin gửi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và các cơ quan quản lý lời xin lỗi về sự cố đã xảy ra”.
Thói thường, làm một việc sai trái, sau đó biết lỗi và nói lời xin lỗi, là điều cũng có thể chấp nhận được. Nhưng, vấn đề là lời xin lỗi ấy thế nào? Người ta muốn nghe lời xin lỗi xuất phát từ tấm lòng thành, từ sự ăn năn hối cải thực sự của những người gây ra lỗi, chứ chắc chắn không ai muốn nghe những lời biện bạch, những lối “chơi chữ” tinh vi để cố gắng giảm nhẹ mức độ sai phạm của mình.
Trong vụ “nước mắm” vừa qua, hẳn mọi người tiêu dùng đều biết việc Vinastas tổ chức khảo sát nước mắm, rồi tổ chức họp hành để công bố kết quả, là hành vi cố ý, có dụng ý từ trước, có mục đích rõ ràng, chứ không phải là việc làm vô tình để có thể nói là “chưa được thận trọng, rõ ràng”!
Hơn nữa, lãnh đạo Vinastas chỉ “thay mặt nhóm khảo sát”, chứ không phải thay mặt cho toàn bộ tổ chức này. “Nhóm khảo sát” không phải là pháp nhân, không thể là đối tượng đứng ra chịu trách nhiệm. Ở đây, hoàn toàn không có khái niệm “con dại cái mang” , mà lẽ ra lãnh đạo Vinastas phải đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Bởi kết quả khảo sát nhân danh chính Vinastas chứ không phải ai khác!
Một lời xin lỗi thiếu chân thành, được phát đi từ một cơ quan lẽ ra cần phải đặt sự chân thành, trung thực và công tâm lên hàng đầu! Liệu có ai chấp nhận được không?
Dẫu sao thì Vinastas cũng đã “có lời xin lỗi”, quyền có “cho xin lỗi” hay không là thuộc về người tiêu dùng. Nhưng có lẽ, đến lúc này thì chuyện đó cũng không còn quá quan trọng. Ông bà ta đã có câu “một lần thất tín, vạn lần bất tin”. Vinastas mang trên mình trọng trách là người “cầm cân nảy mực” có quyền phán xét về các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Điều lớn hơn, họ có trách nhiệm đứng về phía người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Vậy thì sắp tới đây, liệu có ai còn tin vào những lời khen chê của họ? Có ai còn đủ niềm tin để yêu cầu họ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình, một khi niềm tin ấy đã bị chính họ đập cho vỡ nát?
Thiết nghĩ, nếu không có sự cải tổ tận gốc rễ đối với tổ chức này, để những con người ở đó vẫn giữ thái độ thiếu chân thành, không đủ trung thực đối với người tiêu dùng như trong “lời xin lỗi” nói trên, thì không ai dám chắc thời gian tới sẽ có thêm những “phiên bản” mới tương tự như “vụ nước mắm” vừa rồi. Và do đó, sự hiện diện của họ trong đời sống là hoàn toàn vô nghĩa!