Nguyên nhân chủ yếu được nêu ra là do số lượng thương lái và cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ đăng ký tham gia còn thấp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Đề án, nhiều vấn đề khó khăn phát sinh như chủ thể tham gia chương trình chưa kịp trang bị máy móc thiết bị. Một thay đổi nữa là việc truy xuất trước mắt sẽ chỉ thực hiện ở kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi), chứ chưa đưa ra chợ truyền thống.
Mặc dù vậy, nhiều người tiêu dùng ở TPHCM và một số thành phố lớn khác cũng không phải quá “thất vọng”, bởi trên thực tế thời gian qua, các khách hàng của MegaMarket, BigC hay Vinmart+ đã có thể truy xuất nguồn gốc nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả các loại thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả… thông qua các mã QR được dán trên các sản phẩm.
Nhiều người mua hàng tại MegaMarket An Phú (Metro cũ, quận 2, TPHCM) từ lâu đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR Code. Chỉ cần vài giây sau là trên màn hình điện thoại hiện lên hàng loạt thông tin về sản phẩm, bao gồm được sản xuất ở trang trại nào, chủ trang trại là ai, chăn nuôi theo tiêu chuẩn gì, giết mổ ngày nào…
Một khách hàng tại cửa hàng tiện lợi Vinmart+ còn “biểu diễn” việc truy xuất thông tin sản phẩm với ứng dụng quick scan, qua đó dễ dàng nắm bắt thông tin chính xác về tiêu chuẩn của sản phẩm (ví dụ như được chứng nhận VietGAP), đơn vị đóng gói, nơi trồng, thông tin về nhà phân phối…
Không chỉ rau, quả, thịt, mà nhiều loại sản phẩm khác như gạo, cá, tôm… cũng có dán QR Code để khách hàng có thể truy xuất “lai lịch” sản phẩm bằng điện thoại thông minh.
Chính vì đã có những nhà bán lẻ “đi trước một bước”, nên việc TPHCM quyết định dời thời điểm thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các hệ thống bán lẻ có đăng ký tham gia chương trình cũng không khiến người tiêu dùng quá hụt hẫng.
Được biết, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ban đầu chỉ được thực hiện với mặt hàng thịt heo. So với công nghệ đang được sử dụng phổ biến tại một số hệ thống bán lẻ nói trên, thì công nghệ “riêng” của TPHCM có phần ưu việt, đáng tin cậy hơn, đó là các mã QR Code được cấp cho những sản phẩm mà trước đó đã được gắn vòng nhận diện (gắn chip theo dõi). Việc này có thể loại trừ khả năng chính nhà bán lẻ tự thay đổi QR Code để “dời lui” ngày đóng gói, đánh lừa người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo về nguy cơ không loại trừ khả năng người sản xuất có thể trà trộn nguồn hàng không đảm bảo chất lượng vào các sản phẩm “đạt chuẩn” để “xin” QR Code trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Tình trạng quản lý và sản xuất chưa đồng bộ có thể sẽ dẫn tới việc đánh tráo, trà trộn giữa thực phẩm sạch với không sạch hiện vẫn là một vấn nạn chưa được giải quyết triệt để.
Vì thế, việc sử dụng QR Code chỉ mang lại hiệu quả thực sự một khi có được sự kiểm soát chặt cộng với ý thức của người sản xuất và kinh doanh. Phải giải quyết căn cơ “bài toán” này bằng cách giao trách nhiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp, nhà phân phối… còn người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi nào có nghi ngờ, chứ không thể “bán cái” cho người tiêu dùng.