Về chiều cao thì cũng không khả quan hơn. Số liệu của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA, cho thấy, thanh niên Việt Nam thấp thứ ba châu Á (chiều cao trung bình của nữ là 153,4m, của nam là 164,4m), thấp hơn nhiều so với Nhật hoặc Singapore, nhỉnh hơn Indonesia và Philippines.
Như vậy, sau nhiều năm thực hiện không ít chương trình nhằm cải thiện vóc dáng, thể trạng với những khoản tiền lớn, cho đến giờ người Việt vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có hình thể nhỏ bé nhất thế giới.
So với Mỹ – quốc gia có cân nặng cao nhất, thì cả nam giới lẫn phụ nữ người Việt hiện đều đang thua tới 30 kg! So với quốc gia có chiều cao lý tưởng nhất là Hà Lan, đàn ông người Việt thua tới 20 cm, phụ nữ Việt thua phụ nữ Latvia (hiện đứng đầu bảng về phụ nữ “chân dài”) tới 15,6 cm!
So với ngay các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nơi được cho là có hình thể thuộc loại “còi cọc” nhất thế giới hiện nay, thì số liệu thống kê hồi đầu năm 2015 cũng cho thấy, chiều cao người Việt hiện kém người Singapore 15-18 cm; thấp hơn chiều cao trung bình của khu vực là 2 cm đối với nam giới, 1 cm đối với nữ giới.
Về cân nặng, Việt Nam xếp thứ 9 (tính từ dưới lên) trong nhóm các nước “nhẹ cân” nhất thế giới – đều thuộc khu vực châu Phi và châu Á.
Hậu quả của sự thấp còi này rất nghiêm trọng, bao gồm: Nguy cơ cao mắc bệnh mạn tính không lây; năng lực học tập, lao động thấp hơn các bạn cùng trang lứa; khi lớn lên, sức lao động kém, ảnh hưởng năng suất lao động, cản đà phát triển của toàn xã hội; về tâm lý thì thiếu tự tin…
Vậy, tại sao nhiều năm qua, chiều cao và cân nặng của người Việt vẫn chưa được cải thiện đáng kể – so sánh với mức tăng trưởng của nhiều quốc gia khác?
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, rượu bia, lười vận động là nguyên nhân khiến chiều cao người Việt chậm phát triển so với các nước. Đặc biệt, tình trạng thấp còi ở người trưởng thành có nguyên nhân sâu xa từ chế độc sinh hoạt và dinh dưỡng từ thuở nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi đang ở mức 29%, là một trong 36 nước có tỷ lệ thấp còi nhất thế giới (36 nước này chiếm 90% trẻ thấp còi trên toàn thế giới!).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấp còi khá phổ biến đến từ nhiều phía, gồm:
Vận động ít, ngủ muộn… Với gia đình ít con nên cha mẹ có xu hướng bảo bọc, không cho con chạy chơi, đi đâu cũng đưa rước, ít vận động thể dục thể thao mà phần lớn ngồi xem ti vi suốt ngày… Ngoài ra, trẻ có khuynh hướng ngủ muộn sau 22g làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Trong khi đó, các nội tiết tố kích thích tăng trưởng chiều cao thường tiết ra lúc ngủ sâu.
Bên cạnh đó là nhiều sai lầm trong việc nuôi con, như cho ăn quá nhiều đạm, uống thiếu sữa, ăn nhiều chất béo và bột đường nhưng lại không đủ vitamin (A, D, C…) và chất khoáng (canxi, i ốt, kẽm, sắt…).
Một nguyên nhân khác là do hiện tượng dậy thì sớm, kéo theo những nỗ lực để “giữ eo” với chế độ ăn uống rất nhiều hạn chế nhằm ngăn cản nguy cơ tăng cân thiếu kiểm soát. Sự tích tụ mỡ ở cơ thể gây nên sự rối loạn chuyển hóa nội tiết tố, dẫn đến dậy thì sớm. Ngược lại, vì sợ tăng cân nên nhiều người trẻ ăn uống kiêng khem để giữ eo trong độ tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân khiến chiều cao không thể phát triển, trong khi cân nặng cũng không được thúc đẩy một cách lành mạnh.
Cũng không thể không nói tới tác động của di truyền. Người Việt thường bị coi là có “gen thấp bé”. Tuy nhiên, BS Đào Thị Yến Phi (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM) cho biết: “Điều này chưa được xác định, tức là chưa ai biết khả năng di truyền về chiều cao của người Việt Nam là bao nhiêu. Nhưng, dựa trên thực tế những thế hệ được nuôi dưỡng tốt sau này, có thể dự trù tiềm năng chiều cao của dân ta không đến nỗi tệ”.
Giới khoa học đã chứng minh, chiều cao chỉ phát triển trong một giai đoạn nhất định. Khi qua tuổi dậy thì không thể khắc phục những trẻ đã thiếu chiều cao. Vì vậy, để thúc đẩy quá trình cải thiện thể hình của người Việt, giới y khoa đưa ra lợi khuyên: Phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt để sinh con không thiếu cân sẽ thiếu chiều cao sau này. Cho bé bú sữa mẹ, chích ngừa phòng các bệnh nhiễm trùng, giữ môi trường lành mạnh, không hút thuốc… Khi bé lớn cần cho ăn đa dạng để không thiếu các vi chất ảnh hưởng đến tăng trưởng, bổ sung sinh tố liên quan đến chiều cao, tăng trưởng. Song song là tập thói quen tốt: đi ngủ sớm, dậy sớm vận động thể dục thể thao…