Phần đông người Công giáo cho rằng, Thánh lễ có trang trọng và thu hút nhiều giáo dân tham dự hay không, chủ yếu bởi hai yếu tố: cha giảng hay, sâu sắc và ca đoàn hát hay. Vì thế, ca đoàn đóng một vai trò rất lớn trong phụng vụ Thánh lễ. Ca đoàn hát hay tùy thuộc phần lớn vào ca viên hát có tâm hồn hay không. Vì thế, trong tự thuật của mình, Thánh Augustino từng nói: “Hát thánh ca là cầu nguyện hai lần!”.
Mỗi xứ đạo, họ đạo đều có từ 2-4, thậm chí 10 ca đoàn. Trong mỗi ca đoàn, giọng nữ được ví như tiếng vĩ cầm trong trẻo, đưa hồn người thăng hoa, bay vút lên không trung huyền bí. Sơ Maria Trần Thị Sạch, Dòng Saint Paul thánh Chartres Mỹ Tho, người đã có hơn 30 năm hát thánh ca, hiện đang phụ trách 6 ca đoàn của các họ đạo tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Hát thánh ca là cầu nguyện, là tâm tình với Chúa. Vì vậy, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để hát thánh ca là tâm hồn phải “thánh”. Hát thánh ca phải nhập tâm với nội dung bài hát, phải tâm sự, cầu nguyện. Muốn vậy, người hát phải có cảm xúc, phải có tâm hồn…”.
“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nhìn sâu vào đôi mắt những người nữ hát thánh ca, khi họ đang ngân lên những thanh âm bay bổng, ta thấy trong đó chất chứa bao khát vọng, niềm tin, ngập tràn tình yêu cuộc sống… Cách đây hơn nửa thế kỷ, giữa thời chiến chinh, nhà thơ Quang Dũng đã đắm chìm trong nỗi sầu cô quạnh của “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây…”. Giờ đây, đôi mắt của những cô gái xứ đạo không còn vương vất nỗi buồn giữa khói lửa chiến tranh, mà thay vào đó là tràn ngập niềm tin và ước nguyện vào những điều tốt lành cho nhân thế.
Maria Lưu Thị Duyên, ca viên một ca đoàn của giáo xứ Tân Phú (TP.HCM) nói rằng: “Mỗi lần hát thánh ca là một lần gột rửa tâm hồn. Tất cả những bụi trần vương vấn đều tan biến, chỉ còn lại phần cốt lõi của tâm hồn trong trắng, thánh thiện”. Tuổi mới khoảng đôi mươi, nhưng cô gái có đôi mắt trong veo ấy đã thuộc cả ngàn bài thánh ca. “Mỗi bản thánh ca đều mang tới cho tâm hồn một cung bậc cảm xúc khác nhau. Có những bài mang âm hưởng rộn rã của lễ hội như Jingle Bells, có những bản sâu lắng, chất chứa nội tâm như Silent Night… Nhưng tựu trung lại, hát thánh ca là sự phơi bày tâm hồn, không thể che đậy, giả dối”, cô bộc bạch.
Trẻ em trong các cộng đoàn Công giáo học hát thánh ca từ rất sớm, khoảng 5-6 tuổi. Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, 9 tuổi, là giọng solo nữ của ca đoàn thiếu nhi nhà thờ họ đạo Chợ Quán (Q. 5), kể: “Ban đầu, con chỉ học hát thánh ca như một nghi lễ trong nhà thờ. Nhưng khi những lời nguyện cầu trong những bản thánh ca ngấm dần vào lòng, con chợt nhận ra nhiều điều, rằng phải sống tốt với cha mẹ, bạn bè, phải học giỏi, phải biết thương người… Từ đó, con cố gắng làm nhiều việc tốt để xứng đáng đứng trong ca đoàn”. Rồi đôi mắt thơ ngây của cô bé chợt sáng bừng lên khi cất giọng: “Ngày mai, một ngày mai tươi sáng vui bình yên. Hãy ban một mùa Xuân như ý quên sầu bi, đầy ơn phước trong tay Người” (Ave Maria của F. Schubert).
Người Công giáo tin rằng, âm nhạc Thánh, trong đó có thánh ca, mang những quyền năng vô hình, có thể mang đến cho các gia đình một vẻ tuyệt mỹ và sự bình an, có thể soi dẫn tình yêu thương và sự liên kết giữa mọi người với nhau. Vì vậy, người hát thánh ca chính là người mang sứ mệnh gieo vào lòng nhân thế tư tưởng bác ái, tinh thần hướng thiện, bằng tất cả sự chân thành toát ra từ trái tim.
Bản chất của thánh ca là những lời cầu nguyện. Hát thánh ca là cất lên lời cầu nguyện bằng ngôn ngữ âm nhạc, được thể hiện qua tiếng lòng của mỗi con người, nên mỗi lần hát thánh ca, trong mỗi người hát lại trỗi lên một cảm xúc mới mẻ. Đặc biệt, với người hát thánh ca thì mỗi Giáng sinh lại là một dịp sáng tạo các thể hiện mới. “Mỗi năm các bài hát sẽ có sự điều chỉnh tiết tấu và cách phối bè. Nhưng chỉ kỹ thuật thôi thì chưa đủ. Đêm Giáng sinh nào, chúng tôi cũng hát hơn 25 bài thánh ca, nhưng chưa bao giờ thấy vơi niềm xúc động. Chúng tôi hát với cả tấm lòng kính Chúa, với niềm ước ao an lành, no ấm cho mọi nhà”, bà Teresa Vũ Thị Lành, ca trưởng một ca đoàn ở giáo xứ Tân Thái Sơn (Q. Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ.
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi này đã có hơn 40 năm hát thánh ca. Với bà, những âm hưởng, giai điệu và ngôn từ của thánh ca như một phần máu thịt. Trong hàng chục năm qua, bà đã dồn hết tâm huyết để xây dựng ca đoàn của mình không chỉ nổi tiếng hát hay, mà còn trở thành một tập thể sống chan hòa trong tình yêu thương. Gặp bà trong một buổi tập chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, bà đưa tay về phía những cô gái trong ca đoàn của mình, kể với giọng hiền hậu như chính tên của bà: “Các em có chất giọng tốt thì nhiều. Nhưng phải vừa chất giọng tốt, vừa là người ngoan đạo, sống có đạo đức thì mới được đứng trong ca đoàn. Là người chịu trách nhiệm về các em, nên tôi phải theo dõi, tìm hiểu kỹ về tâm tính, tư cách rồi mới đưa vào. Cũng như mọi ca đoàn khác, các thành viên trong ca đoàn tôi trước và sau mỗi buổi tập hát đều phải giành 5 phút để huấn đức. Nhờ đó, các em luôn giữ được nếp sống lành mạnh, sống chan hòa trong tình yêu thương, bác ái. Và quan trọng hơn cả, là các em đều hát thánh ca bằng chính tâm tình chân thật của mình. Nhờ đó, ngoài đời các em cũng sống rất chân thành, không hề biết giả tạo”.
“Bài thánh ca cất lên làm cầu nối lời cầu nguyện của chúng tôi trước Chúa, thắt chặt mối đồng cảm giữa mọi thành viên với nhau. Nên đã tham gia ca đoàn rồi, thật ít ai muốn nói lời chia tay”, Maria Lưu Thị Duyên tâm sự trước khi bước lên bục, cùng ca đoàn cất lên giai điệu quen thuộc – bài thánh ca Ave Maria của Bach và Gounod:
“Ave Maria
Đức Mẹ đồng trinh dịu hiền
Hãy nghe lời cầu xin của một thiếu nữ
Khi chúng con nằm xuống phiến đá này để ngủ
Mẹ mỉm cười, hương hoa hồng tỏa bay…”.