1. Nhiều nghệ sĩ lớn qua đời
Năm 2016, nhân loại đau buồn chia tay nhiều ngôi sao ca nhạc đã từng ngự trị trên bầu trời âm nhạc thế giới suốt nhiều thập niên qua. Có thể kể ra những David Bowie, Leonard Cohen, Leon Russell… Còn phải kể đến Glenn Frey, tay guitar có tiếng đàn ma quái kinh điển của nhóm The Eagles trong phần trình tấu cuối bản nhạc Hotel California từ những năm đầu 1970. Họ qua đời chủ yếu vì tuổi già sức yếu và những căn bệnh nan y do chế độ sinh hoạt quá phóng túng.
Đặc biệt, cái chết của Prince – chàng hoàng tử da màu chủ nhân 7 Grammy và 1 Quả cầu Vàng, chưa qua thời rực rỡ của sự nghiệp, bất ngờ qua đời ở tuổi 57, được coi là “gây sốc” nhất. Bởi hiện giờ ông vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống âm nhạc thế giới. Trước khi qua đời, Prince mắc bệnh với biểu hiện giống như cúm, sử dụng thuốc giảm đau fentanyl quá liều được xác định là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Trong nước, giới mộ điệu cũng phải chia tay với nhiều tên tuổi lớn: Thanh Tùng, Trần Lập, Nguyễn Ánh 9 (nhạc sĩ), Thanh Tỏng, Út Bạch Lan (cải lương)…
Có thể nói, năm 2016 là một năm “rơi rụng” của nhiều ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật.
2. Vụ ly hôn của Angelina Jolie và Brad Pitt
Mặc dù đã có không ít dư luận từ trước, nhưng việc Angelina Jolie chính thức đệ đơn ly hôn Brad Pitt vào ngày 20/9 vẫn không khỏi khiến người hâm mộ hoang mang lẫn tiếc nuối. Họ từng được coi là cặp đôi hạnh phúc và nổi tiếng nhất Hollywood, không chỉ có một trong những chuyện tình đẹp nhất Kinh đô điện ảnh phù hoa, mà còn là những nhân vật rất nổi bật trong các hoạt động chính trị – xã hội.
Ngay sau khi ly hôn, họ lập tức lao vào một cuộc tranh chấp – nhưng không phải tranh chấp tài sản như nhiều cặp đôi “tầm thường” khác, mà là tranh chấp quyền nuôi con, bao gồm cả những đứa con nuôi và con ruột của họ.
Trong khi Angelina Jolie muốn toàn quyền nuôi cả 6 con, không nhận trợ cấp, chỉ cho Brad Pitt quyền thăm định kỳ, thì Pitt lại muốn được cùng chia sẻ trách nhiệm. Mọi chuyện cho đến giờ vẫn chưa “hạ hồi phân giải”.
Gần như cùng lúc, vụ bạo hành vợ đầy tai tiếng của ngôi sao “Cướp biển Caribien” Johnny Depp cũng trở thành tâm điểm của dư luận. Diễn viên này đã phải cắn răng bỏ 7 triệu USD để bồi thường cho vợ nhằm hoàn tất thủ tục ly hôn. Khoản tiền này sau đó đã được người vợ sung vào quỹ từ thiện.
3. Ca sỹ Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn chương
Nhạc sỹ, ca sỹ 75 tuổi này chính là nhạc sỹ đầu tiên trong lịch sử đoạt giải Nobel Văn chương – một giải thưởng vô cùng cao quý thường chỉ dành để tôn vinh những nhà văn, nhà thơ. Trong sự nghiệp sáng tác lừng lẫy của mình, Bob Dylan có duy nhất Tarantula là một tác phẩm văn xuôi thơ – một thử nghiệm táo bạo và đầy cá tính, nhưng không nổi tiếng được như những bài hát của ông.
Bob Dylan được thừa nhận tài năng trong thế giới văn chương là nhờ vào những ca từ đầy sức mạnh trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông. Ví dụ như trong tuyệt phẩm “Blowin’ in the wind” ra đời vào năm 1962: “Cần bao nhiêu chặng đường phải bước qua để xứng đáng thành người? Những cánh chim bồ câu phải vượt qua bao đại dương mới để ngủ vùi trên cát? Bao nhiêu bom đạn phải rơi mới đến ngày yên tiếng súng? Bạn thân tôi ơi, câu trả lời nằm trong gió thoảng”. Và: “Phải có bao nhiêu đôi tai, trước khi nghe thấy tiếng chúng sinh khóc?”… Đó không chỉ là lời kêu gọi hòa bình khẩn thiết, mà còn được coi là một bản tuyên ngôn nhân quyền chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả. Chính tác phẩm này đã đưa chàng nghệ sĩ trẻ chưa được mấy ai biết đến trở nên nổi bật trên diễn đàn âm nhạc thế giới, trong thời điểm xuất hiện quá nhiều ngôi sao lúc bấy giờ.
Trước đó, chỉ có duy nhất Winston Churchill – chính trị gia nổi tiếng trong vai trò Thủ tướng Anh thời Thế chiến thứ 2 là người “ngoại đạo” được trao tặng giải thưởng danh giá này.
4. Ban nhạc Rolling Stones diễn miễn phí tại Habana, Cuba
Ngày 25/3, ban nhạc rock huyền thoại Rolling Stones lần đầu tiên có show diễn miễn phí tại thủ đô La Habana của Cuba. Những rocker lão luyện của làng rock thế giới đã cống hiến một đêm nhạc bùng cháy với 18 nhạc phẩm gắn liền tên tuổi của họ như Jumpin’ Jack Flash, Sympathy for the Devil hay Statisfaction trong chương trình kéo dài hai giờ.
Để tận mắt chứng kiến thần tượng biểu diễn, khoảng nửa triệu người Cuba và một số nước trong khu vực Caribe đã không ngần ngại xếp hàng trong nhiều giờ đồng hồ để tới được khu phức hợp thể thao ngoài trời Ciudad Deportiva ở Havana. Thậm chí đã có những người dựng lều ngủ bên ngoài sân vận động với hy vọng sẽ có được vị trí tốt nhất trong dòng người xếp hàng vào khu biểu diễn.
Ban nhạc đã chuyển 61 container, với trọng lượng ước tính 500 tấn, gồm các thiết bị sân khấu như loa, đèn và màn hình video tới điểm biểu diễn. Chương trình diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama tới Cuba. Đây được coi là buổi biểu diễn mang tính bước ngoặt trong lịch sử quan hệ giữa Cuba với phương Tây.
Trước đó, những tên tuổi khác như The Beatles và Elvis Presley từng bị cấm cửa tại Cuba, người dân Cuba cũng bị cấm nghe loại nhạc này vì sự khác biệt về ý thức hệ.
5. Giới nghệ sĩ Mỹ phân hóa vì bầu cử Tổng thống
Chưa bao giờ có một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ nào mà được nhiều người nổi tiếng quan tâm như năm 2016. Điều này chỉ có thể giải thích bằng sự góp mặt của hai ứng cử viên cuối cùng là tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong khi có rất nhiều ngôi sao ca nhạc và điện ảnh như Miley Cyrus, Katy Perry, Madonna, Chris Evans, Adriana Grande, Lady Gaga… nhiệt thành ủng hộ bà Clinton và đòi tẩy chay ông Trump, thì cũng có một số nhân vật quan trọng khác của làng giải trí Mỹ như Bruce Willis, Jon Voight (cha của minh tinh Angelina Jolie), Jessica Simpson lại cổ vũ cho Donald Trump.
Mặc dù được ít nghệ sĩ ủng hộ hơn, đồng thời vấp phải sự đả kích quyết liệt của nhiều ngôi sao giải trí, nhưng cuối cùng thì như chúng ta đã biết, ông Donald Trump đã thắng cử. Giờ đây, những lời tuyên bố “sẽ rời bỏ nước Mỹ nếu Trump thắng cử” của một số ngôi sao đang cần được kiểm chứng bởi thực tế.
Dẫu sao, chính trị cũng đã tác động không nhỏ đến giới nghệ sĩ – thể hiện rất rõ qua màn “so găng” kịch tính nhất trong năm.