Yuyun, một cô bé 14 tuổi, được biết đến là một học sinh thông minh, xếp thứ 3/32 học sinh trong lớp. Cô bé luôn mong muốn trở thành một giáo viên giỏi và là niềm tự hào của gia đình, nhà trường.
Vào ngày 2/4/2016, Yuyun đột ngột mất tích trên đường từ trường học trở về nhà ở tỉnh Bengkulu, thuộc miền tây Indonesia khiến cho gia đình, thầy cô và bạn bè vô cùng lo lắng.
3 ngày sau đó, thi thể của bé gái xấu số được dân làng tìm thấy ở trong rừng. Thi thể em đầy những vết thâm tím, bầm dập vì bị đánh đập, hai bàn tay bị trói chặt và kinh hoàng hơn trên người em chỉ còn chiếc quần lót, bộ áo đồng phục đã không bao giờ được tìm thấy.
Theo cảnh sát, bé gái 14 tuổi đã bị hãm hiếp tập thể nhiều lần cho đến chết. 14 nghi phạm, trong đó có tới 12 nghi phạm đều dưới 18 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ để điều tra.
Cha của nạn nhân, ngoài 30 tuổi đã rất sốc khi nghe tin về con gái đáng thương của mình. “Tôi không bao giờ nghĩ con gái mình phải chịu sự hành hạ tàn bạo đến như vậy”, người cha đau đớn nói.
Cái chết bi thảm của Yuyun đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận Indonesia, đòi hỏi chính phủ nước này phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn bạo lực tình dục đối với phụ nữ nói chung.
“Chúng tôi cần phải chống lại vấn nạn bạo lực tình dục tiềm ẩn bằng mọi khả năng cũng như phương tiện mà chúng tôi có. Bạo lực tình dục là vấn đề khẩn cấp ở Indonesia, nhưng lại không được chú ý”, nhà hoạt động kiêm nhạc sĩ Kartika Jahja ở Jakarta nhấn mạnh.
Vào ngày 9/5/2016, 7 tên tội phạm, tuổi từ 16 đến 17, đã phải hầu tòa tại quân Curup, Sumatra với mức án 10 năm tù giam mỗi người. 5 người còn lại vẫn đang được điều tra và 2 nghi phạm khác đang bỏ trốn.
Anh Rita Pranawati, một thành viên tích cực trong Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia hài lòng với mức án mà tòa tuyên, nhưng anh cho biết cần có nhiều hành động hơn để cắt bỏ gốc rễ của việc bạo hành tình dục.
Các phần tử tích cực kêu gọi một hình phạt khắc nghiệt hơn cho những kẻ tấn công tình dục và đã dấy lên 1 cuộc biểu tình tại thủ đô Jakarta. Họ cũng nhắc nhở Tổng thống Joko Widodo về việc bảo vệ phụ nữ tốt hơn.
Vụ việc này cũng được so sánh với vụ hiếp dâm tập thể trên xe buýt tại Delhi vào năm 2012 khi đó đã dấy lên những cuộc biểu tình lớn và sau đó là sự thay đổi lớn trong về luật Hiếp dâm của Ấn Độ.
Và sau một thời gian bàn bạc, cân nhắc, chính quyền Indonesia cũng quyết định luật có thể cho phép tử hình hoặc thiến kẻ hiếp dâm trẻ em, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân cả nước.
Chính thức vào ngày 12/10/2016, Quốc hội Indonesia thông qua một dự luật, trong đó áp dụng án phạt nặng hơn đối với những kẻ tấn công tình dục trẻ em. Theo đó, những kẻ hãm hiếp trẻ em có thể bị tử hình, “thiến hóa học”, tù chung thân, hoặc ngồi tù tối thiểu 10 năm.
Trước khi đạo luật mới được thông qua, án tù cao nhất cho tội hiếp dâm, kể cả trường hợp nạn nhân là thành niên hay trẻ em, tại Indonesia là 14 năm. Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng tuyên bố rằng, lạm dụng tình dục trẻ em là một tội cực kỳ nghiêm trọng và Indonesia hy vọng luật mới sẽ răn đe kẻ phạm tội và ngăn chặn được tình trạng này.
Được biết, biện pháp “thiến hóa học” là làm mất đi ham muốn tình dục của kẻ bị kết tội ấu dâm bằng cách tiêm hormone nữ vào cơ thể tội phạm. Biện pháp này hiện được áp dụng tại Ba Lan, Hàn Quốc, Nga, một số bang ở Mỹ và tại một số nhà tù tự nguyện tại Anh.