Hiện nay, phong tục thờ ông Táo vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình Việt, nhất là vùng nông thôn. Một số gia đình có người lớn tuổi ở thành thị cũng còn thờ Táo quân trong nhà bếp. Mặc dù không còn nấu ăn bằng bếp đất sét “ba đầu rau,” mà thay bằng bếp than, dầu, gas… nhưng họ vẫn còn bàn thờ ông Táo như ông Thần coi sóc việc nhà, giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Ông Công ông Táo là một vị thần đứng đầu quyết định chuyện họa phúc của mỗi gia đình nên việc thờ tự và tế tự rất được người xưa coi trọng.
Có cúng ông Công ông Táo trong bếp?
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà bạn có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Văn khấn ông Công ông Táo
Bài văn khấn ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp, theo sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” (Nxb Văn hóa Thông tin) như sau:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh – Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ giáo dục, người cúng trong lễ tiễn thần bếp nên là đàn ông – người trụ cột của gia đình. Sau khi tiễn Táo quân, gia chủ bắt đầu được quét dọn hay còn gọi là “quét tàn tinh”. Tuy nhiên, nhà nào năm đó có tang thì không được quét, kiêng khói bụi bay vào mắt người đã chết.
Quét dọn xong, gia chủ sẽ tiến hành “lau rửa”. Không chỉ có ý nghĩa làm vệ sinh môi trường xung quanh, nó còn có ý nghĩa tạo sự thanh tịnh trong thâm tâm, phản tỉnh những sai lầm mắc phải trong cả năm.