Nhiều ý kiến cho rằng người thường xuyên ở một mình rất khác biệt, khó hiểu và khó gần.
Số khác cho rằng người dành nhiều thời gian ở một mình rất tự lập, biết quán xuyến, mạnh mẽ và ít khi thấu hiểu được cảm xúc của người khác.
Tuy nhiên, thực tế thì những người thường “cô đơn” nhiều như vậy lại là những người bạn rất tốt và có khả năng kết nối với người khác một cách sâu sắc.
1. Họ là những người thích ở một mình. Họ cô đơn bởi chính họ lựa chọn như vậy
Những người cô đơn được đề cập ở đây không phải là những người có lối sống tiêu cực, luôn cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, suy nghĩ quá nhiều hay cô đơn “bẩm sinh” do tác động của một vài nơ ron thần kinh hay bệnh lý khiến họ thích sống một mình hơn là tương tác xã hội.
Jonathan Cheek – nhà tâm lý học đến từ trường Cao đẳng Wellesley gọi những người kém may mắn đó là “những người cô đơn bị cưỡng bức”. Nhiều trong số họ tránh việc ở một mình nhưng cuối cùng họ lại rơi vào trạng thái cô đơn mà không có lựa chọn nào khác. Tương tự như vậy, họ có thiên hướng thu mình lại và căng thẳng cũng từ đó mà xuất hiện. Đây không phải là điều tốt.
Trái lại, những người lựa chọn ở một mình lại khác. Về bản chất, họ đã sở hữu một vài tính cách nhất định khiến họ có thể tạo ra những kết nối sâu hơn với tất cả mọi người. Những lúc cô đơn, họ không phải giày xéo tâm hồn mình bởi cảm giác lo âu hay căng thẳng. Thực tế, họ chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc sống và những gì họ đạt được.
2. Họ không cần nhiều sự chấp nhận và xác nhận của người khác
Người thích ở một mình và người hướng nội đặc biệt không quan tâm nhiều tới việc họ có bao nhiêu bạn bè trên Facebook hay bao nhiêu lần thứ gì đó họ tweet đã được retweet lại. Họ thậm chí cũng chẳng hề có tài khoản trên hai mạng xã hội này.
Trong thực tế, kiểu phớt lờ sự quan tâm này sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian và năng lượng, bởi vì: mạng xã hội có thể khiến bạn phải trả giá cho rất nhiều thứ. Hơn nữa, vì những người cô đơn không cần nhiều sự xác nhận và cũng không bị lung lay bởi quan điểm của những người khác nên họ sẽ có góc nhìn khác về thế giới với tâm thái mới lạ hơn chứ không còn đi theo lối mòn nữa.
3. Họ dành thời gian tìm kiếm những người mà có thể “cộng hưởng” với họ
Những người lựa chọn sự cô đơn không bị phân tâm bởi việc chẳng có ai đi dạo cùng họ trên đường. Thực tế, trong nhiều trường hợp, họ cũng là những người hướng ngoại và có thể hoà hợp với nhiều vòng kết nối xã hội. Tuy nhiên, họ không dễ dàng trở thành “bạn thân” với tất cả những người họ gặp.
Họ hiểu rằng chẳng có lợi gì khi duy trì một tình bạn có quá nhiều mâu thuẫn. Thay vào đó, họ dành thời gian phát triển những mối quan hệ kéo dài với những người mà họ có thể chia sẻ ý kiến và đồng quan điểm.
Với những người lựa chọn ở một mình, điều này rất quan trọng.
4. Họ có một nhóm nhỏ bạn bè nhưng tình bạn của họ rất chân thành
Tìm kiếm một tình bạn bền vững và sâu sắc dựa trên sự đồng thuận về ý kiến cũng như tầm hiểu biết là điều rất khó. Đây chính là lý do tại sao những người thích ở một mình có xu hướng dễ dàng trở thành bạn bè với những người giống họ, cảm tưởng như sự đồng điệu về tính cách đó đã được hình thành từ trước khi hai người gặp gỡ.
Hơn thế nữa, họ có thể tận hưởng khoảng thời gian ở cạnh nhau nhưng vẫn không hề cảm thấy phụ thuộc hay không thể dứt ra được. Họ vẫn có sự độc lập.
5. Họ cảm nhận được sức sống của mình ngay cả khi không có ai bên cạnh
Quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, điện thoại hay mạng xã hội…. tất cả những thứ này đang ngốn năng lượng và thời gian của chúng ta hàng ngày. Chính vì vậy, người thích ở một mình lựa chọn cho chính họ một không gian riêng để cảm thấy tự do, thoải mái hơn bằng cách “ngắt kết nối” với thế giới.
Tuy nhiên, thực tế thì khi ở một mình, họ vẫn đầy sức sống và nhiệt huyết. Đây chính là “phiên bản về đêm” của những người hướng ngoại – đôi khi, họ một mình đơn giản chỉ vì muốn dừng lại để cảm nhận những điều tuyệt vời họ có khi kết nối với thế giới mà thôi.
Theo bài báo “Loners Tend To Be More Intellectual And Loyal Friends” đăng trên trang iheartintelligence.com thì người lựa chọn ở một mình “thực sự có những trải nghiệm tự do và ít cảm thấy căng thẳng hơn. Nhờ đó, họ có thể sáng tạo, phát triển, học hỏi và xây dựng những mối quan hệ sâu sắc với những người mà họ chọn ở cạnh trong thời gian đó”.
Vì vậy, lần tới khi bạn cảm thấy cần một sự kết nối sâu sắc với ai đó thì hãy cân nhắc lựa chọn một người bạn thích ở một mình. Có thể hơi khó để tìm nhưng việc chia sẻ suy nghĩ của bạn với một người như vậy là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời đấy.