Xuất hành
Đa số các bạn trẻ thường đổ ra đường ngắm pháo hoa, vui chơi trước, trong hoặc sau giây phút giao thừa. Nếu bạn ra khỏi nhà trước giao thừa thì bạn nên để ý đến việc thứ 5 (xem bên dưới) để tránh vô tình trở thành người… xông nhà chính mình. Còn nếu bạn cúng giao thừa xong mới đi chơi, thì bạn nên chú ý đến hướng xuất hành.
Hướng xuất hành thường có hai hướng là hướng Tài Thần và Hỷ Thần. Hướng Tài Thần là tài lộc, còn hướng Hỷ Thần là may mắn và niềm vui. Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu, ngày mùng 1 Tết năm nay là ngày Canh Thân, thuộc Mộc, sao Tất nên xuất hành theo hướng Tây Bắc sẽ gặp Hỷ Thần, còn xuất hành theo hướng Tây Nam sẽ gặp Tài Thần.
Thực ra, hướng xuất hành mang lại điều nọ, điều kia chỉ là quan niệm. Bạn có thể tin hoặc không. Nhưng ta cũng nên biết để không làm phật lòng người đồng hành với mình, nhất lại là người yêu hay người thân.
Hái lộc
Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc.
Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Với tin tưởng lộc hái về trong Ðêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người Việt Nam trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn.
Tuy nhiên, bạn không nên biến việc hái lộc thành việc tàn phá cây cối, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Xông đất
Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mùng một. Người ta sẽ mời người có vận may (làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc), người hợp tuổi đến xông đất. Theo tín ngưỡng của người Việt, người đầu tiên bước vào nhà ngay đầu năm nếu hợp với gia chủ sẽ mang điềm lành, sự may mắn cho gia đình suốt năm.
Lễ chùa, đình, đền và xin quẻ thẻ
Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầy phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình.
Thật ra đây cũng là dịp để bạn tận hưởng những giây phút thanh bình đầu năm mới, hòa mình vào với các di tích lịch sử, văn hóa ở quanh nơi bạn ở, mà bình thường có thể bạn không có dịp ghé thăm.
Tại các chùa, đình, đền, có thể có xóc thẻ đầu năm. Nếu có nhu cầu, bạn nên chọn xin quẻ thẻ ở những nơi có truyền thống. Ở những nơi này, nội dung của các quẻ thẻ thực chất là những bài thơ “giáng bút”, có giá trị văn học, bàn về vận mệnh của con người với nhiều lời khuyên bổ ích. Nên tránh xa những nơi xóc thẻ mang tính chất mê tín dị đoan.
Mua muối
Hạt muối trắng, mặn mà là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mang đến sự đậm đà , hòa thuận cho các mối quan hệ trong gia đình.
Tại nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị hồ hởi mua muối lấy may đầu năm. Ngày nay, người dân thường có thói quen đi lễ chùa ngay sau giao thừa, nên việc mua muối có thể diễn ra ở cổng chùa.
Chúc Tết và mừng tuổi
Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất.
Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết nhưng người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau “Của đi thay người”, “Tai qua nạn khỏi”, nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
Năm mới, nếu bạn qua thăm bạn bè, người thân, bạn phải chuẩn bị sẵn phong bao mừng tuổi và tủ sẵn một vài câu chúc. Tùy nhà tùy người mà có lời chúc riêng.
Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc: “Bách niên giai lão” (sống lâu trăm tuổi), “tăng phúc tăng thọ;” nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt,” “làm ăn phát đạt,” “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái;” nếu gặp người làm việc Nhà nước thì chúc: “thăng quan tiến chức” hoặc “lên chức lên lương,” gặp trẻ em thì mừng các bé “mau ăn chóng lớn,” “học hành đỗ đạt.”
Lời chúc tụng này thường kèm theo bao đỏ để mừng tuổi và lì xì cho trẻ em, bạn bè, đồng nghiệp.
Hương lộc
Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà.
Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tốt lộc quanh năm.
Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nấm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.
Xin chữ đầu năm
Ngày xưa đa phần mọi người không biết chữ nên mới có tục thờ chữ trong nhà với mơ ước con cháu sau này được học hành, làm rạng danh dòng họ. Phong tục tốt đẹp này trước đây có dấu hiệu mai một dần nhưng hiện đang được khôi phục lại bằng lòng đam mê và sự tham gia nhiệt tình của nhiều bạn trẻ.
Cứ từ mùng 2 trở đi mọi người lại nô nức đi xin chữ, gửi gắm hy vọng một năm mới hạnh phúc, làm ăn phát đạt… qua các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An, Phát, Thịnh… Nội dung chữ, câu đối thường được viết trên giấy đỏ – sắc màu mang ý nghĩa may mắn vừa nổi trội lại vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai… điểm tô cho khung cảnh ngày Tết thêm phần tươi sáng.